Kiến trúc Đông Dương từ bảo tàng đầu tiên ở phía Nam

Dấu ấn kiến trúc của nhiều đô thị trên cả nước mang phong cách Đông Dương, phản ánh một giai đoạn lịch sử. Trong đó, nhiều công trình được thực hiện bởi các kiến trúc sư phương Tây hài hòa cùng văn hóa bản địa. Nhiều công trình kiến trúc tại TPHCM cũng không nằm ngoài phong cách đó.

Theo chia sẻ từ các kiến trúc sư và chuyên gia sử học, khi nói đến phong cách Đông Dương, nhiều người thường gộp chung kiến trúc xây dựng và trang trí theo phong cách Đông Dương và kiến trúc được xây dựng tại bán đảo Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia). Đây là 2 khái niệm tuy riêng biệt nhưng bao hàm nhau tùy theo ngữ cảnh.

Ông Trương Trần Trung Hiếu (thành viên nhóm “Tản mạn kiến trúc”, nghiên cứu công trình kiến trúc ở Nam bộ) chia sẻ: “Phong cách kiến trúc Đông Dương tuy chỉ được thực hành tập trung từ thập niên 1920 đến những năm đầu thập niên 1950, nhưng đã để lại dấu mốc đáng lưu ý trong giai đoạn thịnh kỳ của kiến trúc dân sự thời kỳ thuộc địa, đồng thời trở thành tiền đề cho kiến trúc theo trào lưu Hiện đại nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam về sau. Phong cách Đông Dương cho thấy các kiến trúc sư người Pháp đã có chủ ý tôn trọng văn hóa bản địa trong hoạt động xây dựng đô thị”.

Bảo tàng Blanchard de la Brosse nay là Bảo tàng Lịch sử TPHCM, được thành lập năm 1929, một trong những công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc Đông Dương ở TPHCM. Từ năm 1956, bảo tàng mang tên “Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam”, và là bảo tàng đầu tiên ở phía Nam trưng bày mỹ thuật cổ một số nước châu Á.

Mặt trước Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Mặt trước Bảo tàng Lịch sử TPHCM

“Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử TPHCM là một ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc Đông Dương, trong giai đoạn những năm 1920-1940. Trong giai đoạn này, hoạt động xây dựng công cộng chủ yếu tập trung tại Hà Nội và ít có công trình được triển khai tại Sài Gòn. Do đó, bảo tàng là một trường hợp hiếm cho kiến trúc phong cách Đông Dương ở Sài Gòn. Đến nay, bảo tàng vẫn được sử dụng đúng chức năng ban đầu của nó, là nơi lưu giữ và trưng bày các cổ vật được sưu tập từ khi thành lập đến hiện tại”, ông Trương Trần Trung Hiếu phân tích thêm.

Trên khuôn viên rộng hơn 6.000m², kiến trúc bảo tàng gồm 2 tòa nhà, tòa nhà trước xây năm 1927 và tòa nhà sau xây năm 1970. Tòa nhà trước vốn là Bảo tàng Blanchard de la Brosse, do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế mang nét kiến trúc cổ kính. Mặt bằng tổng thể gồm khối tháp bát giác ở giữa làm điểm nhấn và cũng là trục đối xứng cho hai dãy nhà hai bên.

Các hoa văn trang trí, tuy được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, sắt, xi măng) nhưng đều là các hoa văn phổ biến và tương đồng với nhiều công trình kiến trúc cổ đương thời. Đỉnh mái tòa nhà được nhấn mạnh bằng hình ảnh trái hồ lô, theo kiến trúc truyền thống Huế được gọi là Thiên Hồ. Dọc bờ tường tòa nhà là các console - chi tiết thường thấy trong các biệt thự Pháp - ở đây được cách điệu từ hình dạng thừa vinh đỡ mái đưa ra trong kiến trúc truyền thống Huế.

Mỗi chi tiết có ý nghĩa khác nhau nhưng tựu trung lại thì tất cả đều mang ý tốt lành. Đó chính là phần di sản văn hóa phi vật thể được ẩn chứa trong tòa nhà mà cụ thể là ở các họa tiết trang trí kiến trúc. Các hoa văn ấy cũng đã cho thấy sự giao lưu văn hóa Việt - Pháp, góp phần làm cho công trình kiến trúc bảo tàng mang nét Á Đông nhưng cũng rất Tây phương. Và tòa nhà sau do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế, được xây nối tiếp vào tòa nhà trước với hình chữ U có diện tích 1.000m².

Tản bộ và ghi chép từ Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Thảo Cầm Viên - Đền Hùng cùng nhóm bạn, Đỗ Thị Thảo Nguyên (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) chia sẻ: “Tụi em đều sinh ra và lớn lên ở thành phố này, nhưng mỗi lần đi tham quan nơi đây là một cảm giác khác, như lúc nhỏ ba mẹ dắt đi Thảo Cầm Viên để vui chơi, nhưng bây giờ đến Thảo Cầm Viên là tụi em phải ghé Bảo tàng Lịch sử TPHCM và đền Hùng. Người ta hay nhắc nơi mình đang sống là thành phố trẻ, nhưng trong lòng đô thị còn rất nhiều chiều sâu lịch sử để chúng em tìm hiểu”.

Kiến trúc đi cùng với sự phát triển và nhu cầu của xã hội, kiến trúc xưa thuộc về ký ức khi những cao ốc hiện đại không chỉ đẹp mà còn tích hợp trong đó nhiều hệ thống công nghệ. Những vàng son đã qua, các tòa nhà, công trình kiến trúc còn đó như một lưu dấu về những giai đoạn phát triển của một vùng đất, thành phố, để lịch sử hôm qua bằng cách nào đó vẫn chảy mãi cùng nhịp sống đương đại.

Ngày 23-8-1979, bảo tàng được UBND TPHCM đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Năm 2012, tòa nhà bảo tàng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, bảo tàng sở hữu hơn 40.000 hiện vật có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, dân tộc, với nhiều chất liệu, loại hình…

Các bộ sưu tập giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 1945 giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo ở các tỉnh phía Nam và một số nước trong khu vực châu Á.

Tin cùng chuyên mục