
Một tuần sau khi áp dụng chính sách lãi suất tín dụng mới, trong khi dòng vốn – nhất là tiền đồng – được ghi nhận là đã chảy vào các ngân hàng thì dường như hoạt động cho vay vẫn chưa trở lại bình thường. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn (ảnh), với kinh nghiệm lâu năm về quản lý ngân hàng, đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.
* PV: Thưa ông, nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu “than thở” rằng họ vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng thương mại tại TPHCM hiện vẫn chưa mở cửa tiếp nhận hồ sơ cho vay, nhất là đối với hồ sơ vay của khách hàng mới...

* Ông VŨ VIẾT NGOẠN: Đây có phải là phản ánh từ tất cả ngân hàng hay chỉ là một vài ngân hàng, cần phải có cái nhìn tổng thể. Đồng thời, do “cầu” về tín dụng của khách hàng đang bị dồn nén, họ nôn nóng muốn vay được ngay nên có thể thấy thất vọng vì chưa được đáp ứng nhu cầu ngay, cái này cần có thời gian mới đánh giá khách quan được.
Mặt khác, trong tình hình hiện nay, Chính phủ đặt ra ưu tiên số 1 là kiềm chế lạm phát thì phải có giải pháp giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, không thể cho vay ồ ạt. Nâng lãi suất cũng là một biện pháp dẫn tới giảm “cầu” về tín dụng.
* Theo kinh nghiệm của ông thì bao lâu sau mới có thể đánh giá được hiệu quả của chính sách lãi suất mới? Nếu thấy không hiệu quả thì sao?
* Thông thường khoảng 1 tháng. Nếu thực sự tất cả ngân hàng đồng thanh lên tiếng là có sự bất hợp lý, tôi nghĩ là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh. Nhưng, như tôi đã nói, không thể lấy một vài hiện tượng cá biệt, cục bộ để đánh giá cục diện chung mà phải xem xét toàn diện…
* Nhưng siết chặt cho vay đã làm ảnh hưởng hoạt động của DN, trong đó có các DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu. Có ý kiến cho rằng cần có chính sách riêng đối với từng loại hình DN, ông nghĩ sao?
* Bản thân các ngân hàng sẽ có sự chọn lựa, cân nhắc đối với từng dự án của khách hàng để quyết định mức lãi suất phù hợp trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước không thể và cũng không can thiệp sâu vào hoạt động của họ bằng biện pháp hành chính “cứng”. Và DN cũng phải có sự cân nhắc, tính toán lại bài toán sản xuất kinh doanh của mình xem có nên vay để mở rộng sản xuất kinh doanh vào lúc này hay không.
* Đã có những cảnh báo về cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng để thu hút vốn và cộng thêm một số loại phí khi cho vay khiến cho khách vay phải chịu lãi suất thực tế cao hơn mức trần cho phép (hiện là 18%). Đây có phải điều đáng lo ngại?
* Người gửi tiền có sự lựa chọn của họ. Đẩy lãi suất huy động quá cao so với mặt bằng chung cũng chưa chắc đã hút được khách, họ sẽ đặt câu hỏi ngay về mức độ rủi ro và rất có thể sẽ đem gửi ở ngân hàng khác mà họ cho là an toàn hơn. Còn về phí, đúng là ngoài lãi suất đã được quy định, ngân hàng được phép tính thêm một số loại phí đối với các khoản vay như phí quản lý, phí thu xếp khoản vay, phí luật sư, tài liệu... nhưng tất nhiên là không được lạm dụng.
Ngoài việc phải thực hiện đúng các quy định về phí thì ở đây có yếu tố cạnh tranh trên thị trường nữa. Nếu “anh” tính phí cao quá thì người ta cũng sẽ không vay của anh mà sang ngân hàng khác. Cần lưu ý là: Các ngân hàng cần huy động tiền, nhưng ngoài phần phải dự trữ bắt buộc ra, họ cũng rất cần cho vay ra mới đảm bảo được hiệu quả kinh doanh, chứ không chỉ khách hàng cần vốn!
ANH PHƯƠNG thực hiện