Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 103,79 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 14,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 100,93 tỷ USD, tăng 9,8% (tương ứng tăng 9,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm 2018 đến hết ngày 15-6 tiếp tục thặng dư 2,86 tỷ USD - mức thặng dư tương đối cao so với nhiều năm gần đây.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước không biến động nhiều so với những năm trước đây, chủ yếu vẫn là nhóm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; da giày; gỗ và sản phẩm gỗ…
Duy nhất nhóm hàng nông - lâm - thủy sản có sự bứt phá cao trong các nhóm hàng chủ lực. Dù phải chịu nhiều biến động của thị trường như các rào cản phòng vệ thương mại liên tiếp được dựng lên của EU (như thẻ vàng cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp); Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông - lâm - thủy sản… nhưng kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng trong nhóm này sau 5 tháng vẫn rất cao, như thủy sản xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%; rau quả đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,6%; gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 51,1%…
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy sức vươn mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp nội địa khi sự tăng trưởng của khu vực này ngày càng gia tăng. Sau 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp nội địa tăng trưởng xuất khẩu 17,8%, cao hơn khối doanh nghiệp FDI (tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 72,71 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017). Đây có thể coi là yếu tố quan trọng, mang đến kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn trong tương lai.
Mức tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm không chỉ cao so với xu hướng chung mà còn cao so với các nước trong khu vực và so với các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra.