Kinh doanh trực tuyến nhấn chìm thị trường bán lẻ

Kinh doanh trực tuyến nhấn chìm thị trường bán lẻ

Khắp châu Âu, âm nhạc một lần nữa lại châm ngòi cho các cuộc biểu tình và đình công... Nhân viên của hai cửa hàng thu âm HMV ở Limerick, Ireland, đã bắt đầu biểu tình từ tuần trước, yêu cầu thanh toán các khoản lương chưa trả sau khi chuỗi cửa hàng này nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Ở Pháp, nhân viên tại các cửa hàng âm nhạc và video Virgin Megastore cũng đã đình công trong tháng này sau khi chuỗi cửa hàng này cũng vừa tuyên bố phá sản và trong tình trạng sắp đóng cửa. Không chỉ vật lộn ngay tại quê nhà ở Pháp, sau nhiều năm thua lỗ, 8 cửa hàng của Fnac chi nhánh tại các thành phố ở Italia như Florence, Milan, Naples, Rome, Turin và nhiều thành phố khác cũng đã bán cho một công ty tư nhân khác, Orlando Italy Management, cũng của Pháp. Các cửa hàng của Fnac dự kiến sẽ phải giảm hơn một nửa trong số 550 việc làm ở Italia. Cuộc khủng hoảng các nhà bán lẻ đã nhấn chìm hai hệ thống nổi tiếng khác của Anh là Blockbuster chuyên kinh doanh và cho thuê video và Jessops chuyên bán máy và các sản phẩm video hồi tuần rồi.

Chuỗi cửa hàng Virgin Megastore của Pháp chuẩn bị đóng cửa.

Chuỗi cửa hàng Virgin Megastore của Pháp chuẩn bị đóng cửa.

Nói một cách khác, thị trường bán lẻ các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh và truyền thông khác của châu Âu đang bắt kịp đà suy thoái với thị trường Mỹ khi các công nghệ và kinh tế quét qua ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Tower Records, chuỗi hệ thống bán lẻ của Mỹ tương đương với HMV hoặc Virgin Megastore, đã phải đóng cửa năm 2006 do không thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon.com và iTunes từ Apple, cũng như nạn đạo nhạc kỹ thuật số.

Sau nhiều năm càn quét và chiếm lĩnh hơn ½ thị trường Mỹ, âm nhạc kỹ thuật số đang tạo nên một sự thâm nhập táo bạo vào thị trường châu Âu. Ở Anh, các đại lý kỹ thuật số đã chiếm đến hơn 32% trong tổng doanh thu 1,4 tỷ USD của ngành công nghiệp âm nhạc năm 2011, tức tăng 19% so với năm trước đó. Theo Liên minh Quốc tế ngành Công nghiệp ghi âm, số lượng đĩa compact qua các doanh nghiệp trực tuyến bán như Amazon.com, cũng như dịch vụ kỹ thuật số iTunes, phân phối trực tuyến chiếm đến 73% doanh số âm nhạc và video ở Anh năm ngoái. Theo dự đoán của công ty Conlumino, con số này có thể tăng lên đến 90% vào cuối năm 2015.

Các cửa hàng bán sản phẩm âm nhạc và điện ảnh trực tuyến, hầu hết từ các tập đoàn Internet do Mỹ làm chủ, đang được xem là một thảm họa văn hóa và kinh tế rộng lớn đối với châu Âu. Không chỉ hàng ngàn công ăn việc làm đang bị đe dọa, các dây chuyền cửa hàng của châu Âu này cũng đóng những vai trò quan trọng trong việc truyền bá các phương tiện truyền thông trong nước sản xuất. Sự xâm lấn ngày càng tăng nhưng ngân sách các công ty trực tuyến đóng góp cho kho bạc tài chính châu Âu rất thấp và khiến cho các nhà làm chính sách châu Âu lo lắng.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Aurélie Filippetti, cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa thực tế hiện đang bị sự nổi lên của các trang web trực tuyến lớn đe dọa mà hoàn toàn không có được sự cạnh tranh lành mạnh bởi các doanh nghiệp trực tuyến bị đánh thuế rất thấp. Chẳng hạn như, các tuyến bán hàng trực tuyến qua châu Âu của trang web Amazon là đi qua Luxembourg, nơi thuế hợp tác bị đánh thấp hơn nhiều so với Pháp và Anh. Tuy nhiên, sự khác biệt trong thuế suất cũng chỉ là yếu tố tương đối nhỏ trong sự suy giảm của các công ty bán lẻ trực tiếp như HMV, Virgin và Fnac. Một sự khác biệt lớn hơn là chi phí thuê mướn. Các công ty trực tuyến chỉ cần thuê các kho đặt hàng tại một khu công nghiệp với giá rẻ hơn giá thuê mặt bằng của một cửa hàng rộng lớn sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris hay đại lộ Oxford ở London.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục