Theo tiêu chuẩn ISO, thực phẩm bẩn có mùi vị khó chịu do các chất bên ngoài. Với “công nghệ” sản xuất thực phẩm bẩn trên thế giới hiện nay, người tiêu dùng bình thường khó phân biệt được thực phẩm nào an toàn.
Theo Independentmail, các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ cho biết mỗi ngày, hàng triệu người ăn phải thịt chứa transglutaminase (keo thịt). Đây là một enzyme dạng bột làm từ huyết tương gia súc. Chỉ cần 1 muỗng transglutaminase vào khối thịt vụn các loại và trộn đều, bọc lại, sau đó ướp lạnh khoảng 6 tiếng, sẽ thành thịt phi lê tươi ngon.
Dù giới chế biến thịt giải thích chất này an toàn và giúp tiết kiệm hàng tỷ USD từ lượng thịt vụn. Nhưng trước thông tin nếu hít phải keo thịt, máu trong người sẽ bị đông lại, người tiêu dùng Mỹ không thể an tâm.
Trước đó, theo kết quả điều tra của ABC News có đến 70% thịt bò xay trên thị trường nhiều nước phương Tây là sản phẩm phụ có tên gọi “chất nhờn màu hồng” (pink slime), từ lâu chỉ dùng làm thức ăn cho chó. Dây chuyền chế biến loại thịt này có công đoạn khử trùng bằng amonia để diệt khuẩn, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi giữa người tiêu dùng và giới sản xuất. Đến nay, pink slime vẫn xuất hiện khá nhiều tại các trường học khắp nơi trên thế giới.
Đó là câu chuyện ở những nước phát triển. Còn tại các nước đang phát triển sự thật càng kinh hoàng hơn. Những nhà sản xuất không từ bỏ phương pháp nào để tìm món lợi cao nhất. Đã hơn 2 năm kể từ vụ bê bối sữa melamine gây phẫn nộ tại Trung Quốc và các nước, đến nay, danh sách các thực phẩm bẩn liên tiếp được phanh phui.
New York Times cho biết vào sáng sớm hàng ngày, thời điểm nhân viên nhiều siêu thị ở Thượng Hải bắt đầu “tái chế” thực phẩm: gỡ nhãn cũ và làm tươi thực phẩm, sau đó dán mác sử dụng mới. Đó vẫn là cách làm nhân đạo so với những “chiêu” được truyền thông Trung Quốc phanh phui gần đây: thịt ngâm hàn the, gạo nhiễm cadmium, nước tương có asen, bắp rang và nấm tẩy bằng huỳnh quang, mầm đậu nhiễm siêu vi, rượu giả bằng nước đường với hóa chất, hay gần đây nhất là vụ rau quả có phun chất ướp xác, gây ung thư, trước đó là sữa chứa melamine…
Lòng tin người tiêu dùng Trung Quốc đối với thực phẩm đã xuống mức thấp nhất. Và hiện nay, báo chí nước này cho biết hàng trăm trang trại mọc lên trên khắp Trung Quốc phục vụ tầng lớp trung lưu ở nước này, vốn ngày càng lo ngại về an toàn thực phẩm. Một số gia đình trồng rau trên sân thượng, các công ty thuê đất tự sản xuất rau quả cung cấp cho nhân viên…
Theo Tiến sĩ Peter Ben Embarek thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO), điểm yếu nằm ở việc thiếu và kém của các thanh tra an toàn thực phẩm nước này. Thay vì dùng biện pháp triệt bỏ tận gốc, hầu hết họ lại kiểm tra theo kiểu ngẫu hứng. Cách làm việc như thế đã khiến vấn đề thực phẩm bẩn không bao giờ chấm dứt. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đã sinh ra gần nửa triệu người chế biến thực phẩm, 4/5 số này lại thuê ít nhất 10 nhân công để “phù phép” thực phẩm, khiến việc giám sát vốn khó càng thêm khó.
Có thể nói vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, nhất là từ các nước đang phát triển, đã xem thường tính mạng người tiêu dùng, vô đạo trong kinh doanh.
THANH HẢI