Kinh hoàng đất lở

Dòng sông Dinh chảy qua địa phận xã Tam Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An) thơ mộng, hiền hòa, bao năm bồi đắp nên những bãi phù sa màu mỡ nuôi dưỡng những làng quê trù phú. Thế nhưng, mấy năm gần đây đôi bờ sông bị sạt lở trầm trọng, hàng chục hécta đất canh tác, đất ngụ cư bị nước xâm thực. Gần 1.000 hộ dân sống dọc 2 bờ sông hiện đang hết sức hoang mang lo lắng.
Kinh hoàng đất lở

Dòng sông Dinh chảy qua địa phận xã Tam Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An) thơ mộng, hiền hòa, bao năm bồi đắp nên những bãi phù sa màu mỡ nuôi dưỡng những làng quê trù phú. Thế nhưng, mấy năm gần đây đôi bờ sông bị sạt lở trầm trọng, hàng chục hécta đất canh tác, đất ngụ cư bị nước xâm thực. Gần 1.000 hộ dân sống dọc 2 bờ sông hiện đang hết sức hoang mang lo lắng.

Kinh hoàng đất lở ảnh 1

Sạt lở ở xóm Tân Tiến (Nghệ An)

Sông “ngoạm” mất làng

Chúng tôi về xóm Tân Mùng xã Tam Hợp, nơi mới xảy ra sạt lở sau trận lụt vừa qua, thấy gần giữa sông những lũy tre chìm nghỉm, lá xanh lập lờ trôi theo dòng chảy mới thấy được sự xâm thực của sông thật ghê gớm. Dọc bờ sông, nhiều đoạn sạt lở hoác hàm ếch sâu hoắm như những vết thương khổng lồ đỏ lòm màu máu. Đất ở đây vẫn tiếp tục lở, thỉnh thoảng những tảng đất lớn như con trâu thi nhau đổ ùm xuống rất kinh hãi.

Bà Trương Thị Kham xóm Tân Mùng chỉ tay về phía bãi bồi, buồn bã: “Trước đây, bãi đất trồng ngô nớ nằm cách sông xa lắm, giờ nằm giữa sông. Nhà tui có 5 sào đất canh tác, 3 sào đất ở nay đã thành sông. Đau nhất là tui cho con rể miếng đất, nó làm nhà xong chỉ mấy tháng là cả nhà bị nước kéo xuống sông. Cách đây 2 năm có cháu trai 2 tuổi trong làng đang đứng trên bờ bị lở đất rơi xuống sông chết, hai ngày mới vớt được xác. Đất lở kinh hoàng quá”.

Nhìn bờ tường nhà bà Kham chỉ cách điểm sạt lở khoảng mươi bước chân, hỏi bà nguy hiểm như vậy sao không di dời đi nơi khác? Bà lắc đầu: “Biết đi đâu bây giờ! Chính quyền chưa có kế hoạch di dời. Họ nói chờ ít năm nữa mới có”.

Gần nhà bà Kham là cơ sở chế biến sắn lát của Công ty TNHH Chính Kim. Ông Kim nói: “Tôi mới mở công ty được 2 năm, đầu tư biết bao tiền của rứa mà sông hắn “ăn” mất. Không riêng nhà tôi mà hàng chục hộ ở đây đang kề miệng hà bá”.

Anh Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Dinh tập trung ở 4 xóm: Tân Tiến, Quyết Tiến, Tân Mùng và Vặc. Riêng xóm Tân Mùng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cuộc sống của gần 130 hộ dân (trên 60% dân tộc Thổ), trong số đó có trên 70 hộ dân ở ven sông đang ở tình trạng báo động. Toàn xóm có gần 50ha đất canh tác nông nghiệp. Tính từ thời điểm sạt lở (năm 2004) đến nay, sông đã lấn mất hơn (30ha) đất canh tác, chưa kể hàng chục hécta đất thổ cư.

Vừa qua, vì sạt lở trầm trọng nên xã mới di dời cho 4 hộ dân: Quyết Tiến (2 hộ), Tân Mùng (2 hộ).
Hiện nay, xã Tam Hợp có 2.400 hộ, 12.500 nhân khẩu thì có gần 1.000 hộ đang đứng trước nguy cơ bị sông nuốt mất nhà, trong đó, 1/3 số dân cần phải di dời. Tuy nhiên hiện tại hầu hết các hộ dân vẫn còn phải bám ở bờ sông vì cuộc sống còn nghèo không thể mua đất. Trong khi quỹ đất của xã ngày một co hẹp thì đất để tái định cư cho những hộ này là không thể, khi mà mỗi năm mùa lũ lụt sông lấn đi hàng chục hécta đất canh tác và đất thổ cư.

Mất đất sản xuất, cuộc sống người dân đã nghèo càng trở nên khốn đốn. Nhiều người phải tha phương làm thuê để kiếm sống.

Đất vẫn cứ lở

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng đất lở, ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết: “Trong điều kiện khó khăn của địa phương, giải pháp của xã là huy động nhân lực toàn xã để đắp đê, kè thủ công, tổ chức trồng tre, đóng cọc tre, kè đá một số nơi nhưng xem ra như “muối bỏ biển” vì chỉ một trận mưa, tất cả lại trôi xuống sông.

Theo ông Ngư, nguyên nhân khiến sông Dinh sạt lở chủ yếu là do rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề và nạn khai thác cát, quặng thiếc bừa bãi đã làm đảo lộn dòng chảy. Xã đã kiến nghị huyện, tỉnh và phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Còn ông Nguyễn Quý Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo từ xã, ban chỉ đạo của huyện đã trực tiếp xuống khảo sát, đồng thời gửi công văn cho tỉnh để tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, để khắc phục cần kinh phí đến 50 tỷ đồng trong khi ngân sách của huyện không kham nổi. Phòng Nông nghiệp huyện đã mời Công ty Thủy lợi Bắc khảo sát, tư vấn hiện trạng, trình Sở NN-PTNT và UBND tỉnh. Tuy nhiên tiến độ thực hiện đến đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của tỉnh.

THẠCH TÙNG – CHÂU YÊN

Tin cùng chuyên mục