Kinh tế biển ĐBSCL - Động lực phát triển mới. Bài 1: Lá chắn rừng phòng hộ

Rừng trả ơn người
Kinh tế biển ĐBSCL - Động lực phát triển mới. Bài 1: Lá chắn rừng phòng hộ

Hiện nay, để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các cửa sông từ Hàm Luông (Bến Tre) đến cửa Trần Đề (Sóc Trăng) và cửa Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu… vách rừng trồng chưa đầy 10 năm nhưng đã tạo thành một thảm rừng phòng hộ rất đẹp và phát huy tác dụng rất lớn đối với vùng đệm bảo vệ tuyến đê ven biển vững chắc hơn. Những vạt rừng xanh này đã trở thành lũy chắn sóng, cản gió, bảo vệ bờ biển không bị xói mòn, môi trường sinh thái cân bằng, nguồn thủy hải sản hồi sinh sau thời gian dài cạn kiệt.

Rừng phòng hộ hàng trăm hécta tại cửa biển thuộc xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ảnh: Bình Đại

Rừng phòng hộ hàng trăm hécta tại cửa biển thuộc xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ảnh: Bình Đại

Rừng trả ơn người

Chỉ tay về cánh rừng bạt ngàn từ phía biển, ông Phạm Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) phấn khởi nói: “Mấy năm qua, mỗi đêm rừng bần “biếu” người dân trong xã gần 100 triệu đồng, từ nguồn lợi hải sản. Hơn 90% lao động của xã ban ngày làm việc đồng áng, nuôi thủy sản, ban đêm ra rừng soi cua, bắt tôm, cá… Nhờ vậy, đời sống bà con ngày càng khá lên”.

Cách đó không xa, cánh rừng bần nơi đầu sóng ngọn gió có tên Bãi Ngang của cù lao Cổ Chiên, đang xanh tốt ngày càng tiến ra biển. Dẫn chúng tôi đi xuyên cánh rừng bạt ngàn này, ông Lâm Ngọc Ấn (Bảy Ấn, 60 tuổi, dân cố cựu ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam) nói: “Hầu hết người dân ở đây ban đêm ra rừng soi cua, bắt cá, tôm. Mỗi người kiếm được 200.000 - 300.000 ngàn đồng/đêm”. Dấu tích trồng rừng năm xưa vẫn còn đó bởi rừng bần dù có cao đến gần 10m nhưng vẫn thẳng hàng tăm tắp, cành lá sum suê.

Theo nhiều người dân địa phương, cánh rừng này mọc trên vùng đất bãi bồi có tên Cồn Nạn, mới nổi khoảng 20 năm. Nhiều ngư dân từ nơi khác đến vùng biển Cầu Ngang, do không hiểu luồng lạch, tàu bè thường bị mắc cạn, nên họ đặt Cồn Nạn. Năm 1994, Công an tỉnh Trà Vinh mạnh dạn đăng ký nhận trồng rừng ở Cồn Nạn. Thiếu tá Huỳnh Thanh Triều, Phó phòng Công tác chính trị, nguyên Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Trà Vinh, nhớ lại: Sau một thời gian thử nghiệm thấy có hiệu quả, năm 1998, Ban Thanh niên công an tỉnh nhận trách nhiệm phủ xanh cồn này với diện tích được giao 371ha. Đến năm 2004, Cồn Nạn được phủ xanh…

Chúng tôi đến Sóc Trăng, tỉnh có 72 km bờ biển. Những cánh rừng phòng hộ bạt ngàn xanh ngút mắt trải dài suốt từ Cù Lao Dung qua Long Phú, Vĩnh Châu… cách Bạc Liêu không xa lắm. Rừng phòng hộ Cù Lao Dung nằm án ngữ giữa 2 cửa biển Trần Đề và Định An. Cây rừng ở đây chủ yếu là Bần. Ngay từ những năm đầu thống nhất đất nước, tỉnh Hậu Giang cũ (giờ là 3 tỉnh Sóc Trăng - Cần Thơ và Hậu Giang mới) đã thành lập nông trường 30-4. Cố giám đốc, anh hùng “chân đất” Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) rất quyết tâm chỉ đạo trồng rừng. Mỗi năm, bãi bồi ở đây lấn ra biển 200m. Đất bồi ra tới đâu, bác Năm Hoằng chỉ đạo trồng rừng tới đó. Vì thế, những cây bần ở đây bám rễ rất sâu, săn chắc, to khỏe, sừng sững như thách thức trước gió mưa. Rất lạ, tuy là rừng phòng hộ ngập nước nhưng ở đây có khá nhiều loại thú cư trú như khỉ, vượn; đặc biệt là đàn dơi quạ có đến mấy chục ngàn con.

Chỉ cách một cửa sông, rừng phòng hộ Trần Đề cũng vững chãi và hiên ngang trước sóng gió. Rừng ở đây không có bãi bồi nhưng sinh thái được xem là một trong những nơi tốt nhất đồng bằng. Mỗi năm, hàng trăm hécta rừng phòng hộ Trần Đề là “vương quốc” của các loài cua, ốc len, ba khía và sò huyết sinh sản. Vào mùa sinh sản, chính quyền ở đây cho người dân vào khai thác giống để cung ứng các doanh nghiệp nuôi thủy sản nhưng cũng phạt rất nặng những kẻ phá hoại dùng lưới vét, chất nổ khai thác làm cạn kiệt những loài thủy sinh gần bờ. Nhờ thế, rừng phòng hộ Trần Đề phát triển tốt, nhiều năm qua không bị xâm hại.

Trong khi đó, cánh rừng ngập mặn ven biển xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững nhờ mô hình đồng quản lý rừng. Theo chân ông Tư Soát, nhóm trưởng quản lý rừng ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, chúng tôi ra thăm rừng phòng hộ nơi này. Gần 3 năm qua, 300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu thoải mái vào rừng phòng hộ ven biển kiếm củi và khai thác thủy sản phục vụ cuộc sống, không còn cảnh lén lút như trước. Điều đặc biệt, những người vào rừng được cấp thẻ. Đây là một trong những nội dung chính về việc đồng quản lý rừng thuộc dự án Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng do tổ chức Hợp tác Kỹ thuật của Cộng hòa Liên Bang Đức (GTZ) tài trợ. Việc đồng quản lý mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, đồng thời bảo đảm cuộc sống người dân ven rừng.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa cho biết hơn mười năm trước, người dân vùng này chỉ trồng một vụ lúa (lúa mùa) mỗi năm, năng suất chỉ 4 - 6 giạ/công, không đủ ăn. Bãi biển trống hoang không còn bóng cây. Lúc bắt đầu chương trình trồng rừng, toàn xã còn chưa đầy 10ha, nay phát triển tới 200ha. Cuộc sống người dân Bãi Ngang bây giờ đã bớt nghèo khó nhờ vào quyết tâm giữ lấy màu xanh rừng phòng hộ.

Dưới tán rừng, các loài thủy đặc sản như: vọp, thòi lòi, bống sao, cá ngát… như tuyệt chủng hơn 10 năm qua, đang phục hồi mạnh mẽ. Bên trong dãy rừng phòng hộ là khu đê bao canh tác một vụ tôm (hoặc cua, cá kèo) và một lúa mỗi năm. Nguồn giống thủy sản chính do rừng và bãi bồi mang lại. Đặc biệt, trong số này có 10ha rừng được chọn là khu bảo tồn đa dạng sinh học… Các chuyên gia quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới xác định: Có khoảng 36 loài thủy sản dần tái sinh tại khu vực Bãi Ngang. Đặc biệt, mô hình này được đánh giá phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn lợi kinh tế do rừng mang lại rất lớn nhưng lợi ích lớn hơn từ rừng là giữ đất, môi trường sinh thái… Những điều ấy, giờ đây chính người dân địa phương đã hiểu ra giá trị của rừng. Nhiều bậc cao niên khẳng định nếu không có rừng, 3 xã ven biển này có khi bị gió bão, xói mòn ra biển từ lâu. Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, ông Phạm Văn Liêm nói: “Không có cánh rừng này chắn gió chắn sóng, các đê biển phía trong không sao chịu nổi. Dân ở đây giờ quý rừng lắm, không ai dám xâm hại rừng, trái lại, hàng ngày khi ra biển, lượm được cây bần con là họ tự nguyện đem ra rừng cắm xuống để nó phát triển”. Bờ biển Đông chạy qua huyện Châu Thành, Cầu Ngang hàng chục km, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển Mỹ Long Bắc, thị trấn Mỹ Long và Mỹ Long Nam, Long Hòa… Phía trước một màu rừng chạy dài theo đường chân trời, như con đê xanh vững chắc che sóng gió vùng đất giồng cát Mỹ Long.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có tác dụng chắn sóng, gió, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu... Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, một khu rừng ngập mặn có chiều rộng 100m, có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng.

Thực tế cho thấy, những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong 3 năm qua, những nơi nào có rừng ngập mặn được bảo vệ tốt thì đê biển mặc dù chỉ xây dựng bằng đất nện vẫn đứng vững vàng. Ngược lại, các đê biển bằng bê tông hoặc kè đá ở những khu vực không có rừng ngập mặn hoặc rừng bị chặt phá đều bị phá vỡ. Xác định vai trò quan trọng này, tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã xây dựng thành công 2 khu dự trữ sinh quyển; diện tích rừng ngập mặn ven biển được bảo vệ nghiêm ngặt. 3 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre vừa thống nhất xúc tiến lập hồ sơ đăng ký, đề nghị UNESCO công nhận “Khu dự trữ sinh quyển thế giới cửa sông Cửu Long” tại ba địa phương này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần ứng phó, thích nghi có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khu dự trữ sinh quyển này có tổng diện tích lên đến 568.000ha, nằm dọc hơn 200km bờ biển thuộc các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre), Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh) và Long Phú, Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

ĐBSCL hiện có khoảng 347.500ha rừng các loại, gồm 53.700ha rừng tự nhiên và 294.500ha rừng trồng. Trong đó, tổng diện tích rừng ngập mặn trên các bãi bồi phù sa ven biển, lưu vực của cửa sông thông ra biển và các đầm trũng nội địa chưa đến 100.000ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau (58.285ha), Bạc Liêu (4.142ha), Sóc Trăng (2.943ha), Trà Vinh (8.582ha), Bến Tre (7.153ha), Kiên Giang (322ha), Long An (400ha)... Vùng rừng ngập mặn này luôn chịu tác động của thủy triều biển. Hệ thực vật rừng ngập mặn phổ biến ở vùng ven biển ĐBSCL là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước... Các chuyên gia xác định: Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực. Trước tác động của biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, vấn đề quan tâm bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL là vô cùng quan trọng.

Bình - Trường - Phong

Tin cùng chuyên mục