Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2016 hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư có sự tăng trưởng và thể hiện có nhiều triển vọng mới. Thế nhưng, trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp với các doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến vẫn than phiền, lo lắng về cạnh tranh trong thời hội nhập. Liệu nền kinh tế có thực sự sáng sủa ở những tháng cuối năm, như kỳ vọng?
Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều kết quả khả quan
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước có 44.740 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 349.000 tỷ đồng, tăng 24% về số lượng DN và tăng 59% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là số vốn đăng ký bình quân mỗi DN lên đến 7,8 tỷ đồng, tăng hơn 1/4 so với trước, cho thấy sự kỳ vọng lớn của DN vào sự phát triển của nền kinh tế qua hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, thống kê hoạt động đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng cho thấy sự tin tưởng của DN quốc tế đối với Việt Nam. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 5,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước 5 tháng đầu năm đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 136% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất của DN những tháng gần đây cũng có tín hiệu tốt. Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho là 8,7%, thấp hơn mức tăng của năm 2015 (11,5%), cho thấy sức tiêu thụ của thị trường tốt hơn. Hoạt động xuất khẩu cũng khả quan hơn. Riêng xuất khẩu của tháng 5 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng lên mức 67,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng ở mức 66,3 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy cán cân thuơng mại ở trạng thái xuất siêu 1,36 tỷ USD, tương đương 2,1% kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam thu được kết quả khả quan trong hoạt động kinh tế những tháng đầu năm giữa lúc tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động là nhờ Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh.
Môi trường đầu tư là yếu tố quyết định
Mặc dù các tổ chức kinh tế thế giới dự báo hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ khả quan hơn trong những tháng tới (ước 6 tháng đầu năm sẽ đạt 8,5 - 9 tỷ USD, giải ngân ước đạt 6,5 - 7 tỷ USD), nhưng các chuyên gia trong nước cho rằng cần có sự theo sát và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ thì mới phát triển mạnh ở 6 tháng cuối năm. Cụ thể là để đạt được kỳ vọng từ Hiệp định TPP và FTA Vietnam - EU thì Chính phủ phải tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Trong đó, các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển DN. Trong đó, cải cách hành chính và tư duy tạo thuận lợi cho DN vẫn là khâu mấu chốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số giải pháp cụ thể cần phải kể đến là xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Chính phủ cần có bộ phận tham mưu liên tục cập nhật tình hình thị trường trong và ngoài nước để cung cấp cho DN, nhằm cảnh báo các nguy cơ, cũng như giúp DN nắm bắt cơ hội, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Có lẽ việc quan trọng cần chú ý hiện nay là tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật cho phù hợp với các quy tắc, cam kết hội nhập quốc tế. Tạo sự ổn định về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tránh rủi ro trong đầu tư của DN.
Đối với DN trong nước, Chính phủ cần định thướng xây dựng thương hiệu quốc gia trong một số lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh, tăng sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ và đầu tư vào các nước đã ký các hiệp định thương mại để tận dụng triệt để các lợi ích từ các hiệp định thương mại quốc tế mang lại. Bên cạnh đó, cũng cần loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện đang đi đúng hướng. Về cơ cấu ngành, lĩnh vực, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng thu hút FDI cao nhất (chiếm trên 70%), tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nghệ thuật, vui chơi giải trí. Về nhà đầu tư, Hàn Quốc đứng đầu về vốn đầu tư, kế đến là Luxembourg và Singapore.
CHẾ HÂN