Kinh tế Mỹ được “cứu” vào phút chót

Kinh tế Mỹ được “cứu” vào phút chót

Sau nhiều vòng thảo luận căng thẳng, Nhà Trắng cùng các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công để đẩy lui tình trạng vỡ nợ sẽ làm chao đảo nền kinh tế số 1 thế giới này.

  • 11 giờ căng thẳng

Hãng AFP đưa tin, thỏa thuận mới sẽ nâng mức trần nợ lên ít nhất 2,1 ngàn tỷ USD, có nguồn tin cho biết có thể lên đến 2,4 ngàn tỷ USD. Trần nợ công của Mỹ hiện là 14,3 ngàn tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Obama vận hành bình thường đến ngày 2-8. Thỏa thuận này đạt được sau 11 giờ thảo luận căng thẳng giữa Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội Mỹ.

Cũng theo thỏa thuận trên, đầu tiên Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 1 ngàn tỷ USD chi tiêu liên bang trong vòng 10 năm tới, đồng thời cam kết cắt giảm thêm 1,5 ngàn tỷ USD nữa trong tương lai căn cứ theo đề xuất của một ủy ban lưỡng đảng mới tại quốc hội.

Nghị sĩ Mitch McConnell (giữa), lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, vui mừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận.

Nghị sĩ Mitch McConnell (giữa), lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, vui mừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận.

Cũng theo nguồn tin của AFP, trong giai đoạn 2 của thỏa thuận cắt 1,5 ngàn tỷ USD sẽ có 350 tỷ USD ngân sách dành cho quốc phòng. Theo lập luận của các lãnh đạo Quốc hội, nước Mỹ hiện nay đã giảm vai trò hiện diện tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Vì thế, Mỹ sẽ phải giảm ngân sách dành cho quốc phòng.

Lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này trong ngày 1-8 (giờ địa phương) trước khi chính thức có hiệu lực. Kế hoạch này cũng bao gồm việc thành lập ủy ban nhằm đưa ra một báo cáo chi tiết hơn về kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách vào tháng 11 tới.

Các nhà phân tích cũng dự đoán có thể các cuộc bỏ phiếu ở cả hai viện sẽ bám đuổi sít sao. Ngay trước khi 2 đảng đạt được thỏa thuận nêu trên, Hạ viện Mỹ cũng đã bác bỏ kế hoạch do người đứng đầu Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Nghị sĩ Harry Reid soạn thảo vào cuối tuần trước.

Theo kế hoạch này mức nâng trần nợ sẽ được nâng thêm 2.700 tỷ USD trong khi thâm hụt ngân sách sẽ phải cắt giảm khoảng 2.200 tỷ USD. Đây được xem là một hành động mang tính đảng phái để trả đũa việc thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của Đảng Cộng hòa.

  • Phản ứng dư luận

Sau khi thông tin Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội Mỹ đoạt thỏa thuận khung nâng trần nợ, nhiều quốc gia đã bày tỏ vui mừng. Phát biểu trên Đài France Inter, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Francois Baroin nhận định: “Mọi thứ đang đi đúng hướng. Thỏa thuận mới nâng trần nợ của nước Mỹ sẽ giúp nền kinh tế thế giới có thêm đà tăng trưởng”. Chánh văn phòng nội các Yukio Edano tuyên bố Nhật Bản vui mừng trước việc Mỹ quyết tâm làm ổn định thị trường kinh tế trong nước.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá trị của đồng USD cũng tăng so với đồng yen, 1 USD chốt mức giá 77,45 yen, tăng 0,78 yen so với phiên giao dịch cuối tuần. Giá dầu tại châu Á cũng tăng nhẹ. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9 tại thị trường New York tăng 1,18 USD, chốt mức 96,88/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,35 USD, chốt mức 118,09 USD/thùng.

Nếu không có thỏa thuận trước ngày 2-8, kinh tế thế giới có thể tiến đến một hướng bất định, vì mọi quốc gia đều đang phấn đấu để phục hồi sau khủng hoảng. Mỹ sẽ bị đánh tụt mức tín nhiệm AAA. Hạ mức tín nhiệm có nghĩa là khả năng vỡ nợ sẽ cao hơn và do vậy các chủ nợ sẽ đòi lãi suất cao lên.

Tín nhiệm của chính phủ giảm đồng nghĩa với việc mọi người dân Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn do lãi suất lên các khoản vay tiêu dùng, vay đi học, mua ô tô, thế chấp hay thẻ tín dụng sẽ tăng theo. Lãi suất cao sẽ làm giảm thu nhập của người dân và đẩy nhiều gia đình vào cảnh nghèo khó.

THANH HẰNG

- Thông tin liên quan:

>> Quốc hội Mỹ tiếp tục chia rẽ về mức trần nợ công

>> Mỹ tính Kế hoạch B cho nợ công

>> Nước Mỹ vẫn bất đồng vì nợ công

Tin cùng chuyên mục