Kinh tế TPHCM năm 2020: Trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng

Chiều 29-12, Cục Thống kê TPHCM đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2020. Đến dự có đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Đạt 16/20 chỉ tiêu

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, trong bối cảnh GDP các nước giảm mạnh do dịch Covid-19, Việt Nam cũng bị tác động nặng nề, các chỉ tiêu kinh tế giảm mạnh so với các năm trước. Thế nhưng, TPHCM vẫn giữ được tăng trưởng dương. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP năm 2020 vẫn tăng 1,39% so với năm trước (mức tăng trưởng năm 2019 là 7,83%).

Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng hơn 2%, riêng thương mại dịch vụ tăng 2,17%. Nền kinh tế TP có điểm sáng khi thực hiện đạt 16/20 chỉ tiêu công trình trọng điểm. “Đó là nhờ sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Việt Nam sớm ngăn chặn thành công và kiểm soát tốt dịch Covid-19, trở thành điểm sáng của thế giới trong phòng chống dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế”, đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Theo báo cáo, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 ước thực hiện 352.000 tỷ đồng, đạt 86,7% dự toán, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 238.000 tỷ đồng, đạt 85,4% dự toán, giảm 11,4%; thu từ dầu thô 10.500 tỷ đồng, đạt 86,1% dự toán, giảm 52,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 103.500 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, giảm 12,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất qua cảng TP (kể cả dầu thô) ước đạt 40.211 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.259 triệu USD, giảm 24,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 10.804 triệu USD, giảm 7,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 27.148 triệu USD, tăng 8,4%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu nhất, đến 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,22 triệu tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 759.714 tỷ đồng, chiếm 62% tổng mức và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ đạt 77.111 tỷ đồng, giảm 1/3; doanh thu du lịch lữ hành đạt 7.400 tỷ đồng, giảm 2/3; vận tải hành khách ước đạt 502.855 ngàn lượt khách, giảm gần 1/2 so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến TP ước đạt 1,3 triệu lượt người, giảm gần 85% so với năm trước; khách du lịch nội địa đến TP đạt 15 triệu lượt người, giảm 54% so với năm trước.

Vốn đầu tư tăng

Tính đến giữa tháng 12, toàn thành phố có 40.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 1.115.256 tỷ đồng, số lượng giảm 6,3% nhưng số vốn đăng ký tăng đến 64%. Hoạt động đầu tư đúng trọng điểm các ngành dịch vụ chủ yếu với hơn 28.500 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; vốn đăng ký 961.411 tỷ đồng, chiếm 86% trong tổng vốn đăng ký, tăng 92% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 441.000 tỷ đồng, tuy giảm 1,2% nhưng vẫn chiếm 32,1% GRDP. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách địa phương thực hiện ước đạt 39.913 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm trước. Đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt khá cao, đến 90% so với kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy TP quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt không ít khó khăn trong giai đoạn bình thường mới. Đó là khôi phục mức tăng trưởng kinh tế, giải quyết tình trạng thiếu việc làm, hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, chăm lo đời sống cho người dân, ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho rằng cần có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại; nhanh chóng sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, giúp các ngành chế tạo, chế biến, ứng dụng công nghệ cao; quan tâm việc chống thất thu, chống chuyển giá; tăng cường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; đẩy nhanh chính quyền điện tử, cải cách hành chính…

Tính đến ngày 20-12, TPHCM đã thu hút được 950 dự án có vốn nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 637,7 triệu USD. Ngoài ra, có 250 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn đăng ký điều chỉnh là 541 triệu USD; có 3.640 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 3.177 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt 4,36 tỷ USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục