Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị kinh tế Việt Nam triển vọng 2017 diễn ra tại TPHCM vừa qua.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN Việt Nam trong thời gian qua, cũng như những năm tới. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 12,8% và đang phấn đấu đạt mức18% trong những tháng cuối năm. Như vậy là đạt mức chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Lạm phát vẫn duy trì ở mức khoảng 4%. Chia sẻ về hướng đầu tư vốn trong thời gian tới, bà Hồng cũng cho biết, nguồn vốn hỗ trợ sẽ ưu tiên cho hoạt động sản xuất, giảm thiểu hỗ trợ cho những lĩnh vực rủi ro như thị trường bất động sản. Trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản có những chuyển biến nhất định, NHNN đã chỉ đạo cho hệ thống ngân hàng kiểm soát tiềm ẩn rủi ro. Chính sách NHNN ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp tham gia vào 5 lĩnh vực là xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ dự đoán về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, kinh tế thế giới năm qua tăng trưởng chậm so với thời kỳ trước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại các nước châu Âu đang chững lại. Điều này sẽ tác động nhất định đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017, bởi đây là thị trường chủ lực và truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những nước mới nổi khác trong khu vực, nhất là Malaysia, Myanmar và Campuchia. Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có khuynh hướng đi xuống nhưng không đáng kể. Năm 2017, Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,3%/năm. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định mức tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Việt Nam cần tính đến yếu tố tiêu thụ nội địa. Nhu cầu thật sự về tiêu thụ nội địa hiện tại chính là động lực thay đổi chính của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động, bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, thấp hơn các đối thủ trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia.
NGUYÊN PHÚC