Chương trình phát triển bò sữa đang “cạn sữa”

Bài 2: Vắt sữa bò, ra... nước mắt

CÔNG PHIÊN
Bài 2: Vắt sữa bò, ra... nước mắt

Góp phần gây ra tình trạng thoái trào nuôi bò sữa hiện nay, ngoài yếu tố các nhà máy mua sữa với giá quá thấp, còn do cách tổ chức và thực hiện chương trình ở nhiều địa phương quá nóng vội khi cơ sở hạ tầng cho việc chăn nuôi chưa có hoặc không đầy đủ.

Nuôi bò sữa - thoái trào

Bài 2: Vắt sữa bò, ra... nước mắt ảnh 1
Trồng cỏ giống mới nuôi bò sữa tăng trọng nhanh, cho sữa nhiều ở Hóc Môn, TPHCM.

Điều đáng nói, trong 22 tỉnh, thành có lượng đàn bò sữa giảm, có cả những địa phương có truyền thống nuôi bò sữa và cả nhà máy chế biến sữa như Hà Nội, Hà Tây, Đồng Nai, Bình Dương.

Theo Dutch Lady VN (ở Bình Dương), lượng bò sữa trong vùng công ty thu mua đầu năm 2006 đã giảm 7% so cùng kỳ năm 2005. Những tỉnh có điều kiện về khí hậu để phát triển bò sữa như Sơn La, Lâm Đồng… cũng vậy.

Riêng ở TPHCM, nơi có mô hình bò sữa để cả nước nhân rộng, dù không giảm đầu con, nhưng số hộ nuôi nhỏ lẻ giảm dần, nhiều người từ bỏ con bò sữa từng một thời là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Số liệu điều tra vào tháng 3-2006 của Cục Chăn nuôi, tại 5 tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam cho thấy số lượng bò sữa giảm đến 25% và số hộ nuôi giảm 16%. Giá một con bò sữa hậu bị trên thị trường giảm mạnh và khó bán, chỉ còn 7-13 triệu đồng/con so với trước đây khoảng 20 triệu đồng/con. Vì vậy, tỷ lệ bò sữa loại thải rất cao, nhiều hộ không giữ bê sữa để tăng đàn, thậm chí cả bò sữa mang thai cũng bị đưa vào lò giết mổ, trái ngược hoàn toàn với thời kỳ hưng thịnh cuối thập niên 1990.

Từ năm 2005 đến tháng 6-2006, giá thức ăn tăng thêm 11,3% nhưng giá mua sữa vẫn không tăng. Hiệu quả quá thấp, thậm chí bị lỗ là nguyên nhân làm đàn bò sữa giảm. Dù mới giảm 1,2% tổng số con, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy đàn bò sữa đến thời kỳ thoái trào.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT lo ngại, nếu tình hình này không sớm được giải quyết, vài năm nữa số bò sữa sẽ trở lại mức khởi điểm, nói chi đến kế hoạch có 200.000 con bò sữa vào năm 2010.

Nóng vội - chạy theo phong trào

Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) Phạm Quốc Doanh cho biết, Quyết định 167 về chương trình phát triển bò sữa nhằm góp phần vào tăng trưởng ngành chăn nuôi, thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu nông nghiệp.

Từ đầu, Chính phủ đã rất thận trọng, chỉ duyệt cho 12 tỉnh, thành được tham gia. Nhưng do nhiều địa phương yêu cầu nên sau 3 đợt điều chỉnh, con số này đã tăng lên 33 tỉnh, thành. Nhiều địa phương nóng vội, chạy theo phong trào, chưa thấy hết khó khăn và sai lầm.

Thay vì gầy dựng từ đàn bò lai Sind có sẵn trong nước thì làm ngược lại, nhập trực tiếp bò sữa thuần HF (rất khó nuôi) từ nước ngoài về giao cho người nghèo nuôi. Không ít tỉnh quan niệm, bò sữa là vật nuôi xóa đói giảm nghèo, trong khi bò sữa, nhất là bò thuần HF chỉ phù hợp cho người có điều kiện nhất định.

Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng, nuôi bò sữa không thể đốt giai đoạn, nếu chưa có phần hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh: tay nghề, kinh nghiệm, dịch vụ thú y, nơi chế biến… Để có đàn bò sữa lớn nhất nước (trên 58.000 con) như hiện nay, TPHCM đã trải qua trên 20 năm với biết bao thăng trầm, nhưng đàn bò sữa TP vẫn tồn tại và phát triển, dù đất nông nghiệp giảm, tổng đàn vẫn tăng, nhờ TPHCM là thị trường tiêu thụ sữa lớn, có nhiều nhà máy chế biến.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, các tỉnh và ngành chăn nuôi cần trả lời cho người dân biết rõ, vùng nào, huyện nào nuôi được. Dù ở đâu cũng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế và phải nuôi tập trung để nhà máy dễ dàng tổ chức thu mua sữa.

Cơ hội phát triển vẫn còn

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, chương trình nuôi bò sữa vẫn tiếp tục, nhưng phải điều chỉnh lại, không phải như cách làm vừa qua. Chủ trại bò sữa Huỳnh Văn Công Dư cho rằng, nếu nuôi một cách chuyên nghiệp và tự túc được nguồn cỏ (yếu tố rất quan trọng, nhưng bị xem thường) thì vẫn có lãi.

Nhiều hộ thua lỗ, ngoài lý do quy mô nhỏ (trung bình 5,3 con/hộ), kém tay nghề nên bò bị suy dinh dưỡng còn vì không đủ cỏ đúng tiêu chuẩn (không phải cỏ dại ven sông rạch), nên phải thay thế và lạm dụng thức ăn chế biến, phụ phẩm khác không phù hợp dẫn đến tình trạng bò cho ít sữa, khó thụ thai và dễ bị bệnh tật. Tình trạng thiếu đồng cỏ là nguyên nhân làm chi phí thức ăn chế biến chiếm quá cao trong giá thành. Đủ cỏ xanh sẽ giảm chi phí thức ăn chế biến từ 3/4 giá thành hiện nay xuống còn 1/4.

Nhưng cũng theo anh Huỳnh Văn Công Dư, nếu Nhà nước chưa rõ ràng trong quy hoạch, người chăn nuôi không an tâm đầu tư hay trồng cỏ cho bò sữa. Anh là trường hợp điển hình. Do bị đô thị hóa, đàn bò sữa của gia đình anh phải di chuyển từ quận 12 (TPHCM) lên huyện Bến Cát (Bình Dương), nay lại phải chuẩn bị di dời vì công nghiệp hóa. Vì vậy, cần có quy hoạch lâu dài vùng chăn nuôi bò sữa.

Giảm giá thành là điều mà người nuôi bò sữa phải làm, vì chi phí thức ăn hiện nay chiếm đến 70% giá bán sữa là quá cao so với Thái Lan chỉ 57%, lãnh thổ Đài Loan khoảng 43%, làm hiệu quả nuôi quá thấp. Và nhà máy cần điều chỉnh giá mua sữa phù hợp cho nông dân. Đại diện người chăn nuôi, anh Huỳnh Văn Công Dư đòi hỏi có sự bình đẳng giữa giá sữa bột nhập khẩu với giá sữa mà nhà máy mua của người nuôi. Hiện nay giá của 2 loại sữa này là 5.600 đồng/kg và 4.200 đồng/kg.

* Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác nhận, các đơn vị chăn nuôi đang thua lỗ lớn, lâm vào tình trạng phá sản. Khi thực hiện chưa lường trước những khó khăn, không làm thí điểm để rút kinh nghiệm, chưa có chương trình tổng thể, đồng bộ và chưa được vận hành như một dự án kinh tế.

Trong thời gian ngắn, tỉnh Tuyên Quang đã nhập khẩu ồ ạt hàng ngàn con bò sữa (chỉ riêng Công ty Bò sữa Yên Sơn nhập 3.277 con bò sữa từ Australia), trở thành địa phương có đàn bò sữa nhiều nhất ở phía Bắc với 4.817 con (cuối năm 2005). Tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư vào chương trình này khoảng trên 100 tỷ đồng.

CÔNG PHIÊN

Bài 1: Bò… khóc!
 

Tin cùng chuyên mục