Chương trình phát triển bò sữa đang “cạn sữa”

Bài 1: Bò… khóc!

Bài 1: Bò… khóc!

5 năm trước, nhiều địa phương hồ hởi khi được vào nhóm 33 tỉnh, thành cả nước tham gia chương trình phát triển bò sữa (Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ). Đến cuối năm 2005, đàn bò sữa tăng lên 107.609 con (tăng bình quân 24,9%/năm), cũng chỉ thỏa mãn 22% nhu cầu sữa chế biến. Nhưng tháng 6-2006 đàn bò sữa cả nước giảm còn 106.355 con ở 22 tỉnh, thành. Giờ đây, sau 5 năm tham gia chương trình, ai cũng hoang mang tự hỏi, có nên tiếp tục nuôi bò sữa?

  • Ép “nội”, sính “ngoại”
Bài 1: Bò… khóc! ảnh 1

Nhiều trại nuôi bò sữa ở ngoại thành TPHCM đã trang bị hệ thống vắt sữa tự động, bảo đảm vệ sinh an toàn nguồn sữa để chế biến. Tuy nhiên đầu ra cho sữa vẫn rất bấp bênh. Ảnh Th. Tâm.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT phân tích, giá sữa tươi (loại 1) bán tại nhà máy là 4.200 đồng/kg (bình quân 3.851 đồng/kg), trừ các khoản (công vắt sữa, bảo quản lạnh tại trạm thu mua…), người nuôi chỉ còn nhận 3.500-3.650 đồng/kg (TPHCM là 3.700 đồng/kg).

Lợi nhuận bình quân 1kg sữa tươi là 64 đồng, tính ra một con bò sữa cho lợi nhuận 251.000 đồng/con/năm, riêng vùng có lợi thế (nguồn phụ phẩm nông nghiệp, có tay nghề, gần nhà máy chế biến…) cho 589.000 đồng/năm.

Với mức lợi nhuận khiêm tốn này, phải đến 60 năm, người nuôi mới có thể thu hồi vốn đầu tư, nhưng chu kỳ cho sữa của con bò chỉ khoảng 10 năm, trong đó cho cao nhất là từ năm thứ 3 đến thứ 5.

Giá sữa tươi các nhà máy mua hiện nay của ta thấp nhất trong khu vực, so với Thái Lan kém hơn 900 đồng/kg, Trung Quốc 1.100 đồng/kg, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan 4.300 đồng-7.300 đ/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại cao nhất. 

Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam so sánh, 1 lít nước đóng chai giá 5.000 đồng – 6.000 đồng, trong khi 1 lít (tương đương 1kg) sữa bò nông dân bán tại nhà máy là 4.200 đồng. Và ông đặt vấn đề, Vinamilk và Dutch Lady Việt Nam mua khoảng 69% tổng lượng sữa bò của người nuôi trong nước, với giá mua thấp kéo dài, có phải là biểu hiện của hình thức liên kết độc quyền, ép giá người chăn nuôi?

Năm 2004, báo chí từng lên tiếng về sự bất hợp lý đã kéo dài 10 năm, dù các sản phẩm chế biến từ sữa của nhà máy bán ra tăng giá rất nhiều lần, nhưng nhà máy mua sữa của nông dân giá lại không tăng, bất chấp lạm phát hàng năm, khiến người nuôi bò sữa giảm dần lợi nhuận đến mức không thể chịu đựng nổi.

Lúc đó, Vinamilk và tiếp theo là Dutch Lady VN mới chịu tăng giá từ 3.200 đồng/kg lên 3.500 đồng/kg. Đến tháng 8-2005, cũng chỉ sau khi báo chí cảnh báo về sự phá sản của hộ nuôi nhỏ lẻ, Vinamilk nhích lên 3.900 đồng/kg sữa cho người nuôi và Dutch Lady VN cũng theo lên 4.000 đồng/kg... Trong khi đó, 2 công ty này lại nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên với giá cao.

Theo số liệu có được của Cục Chăn nuôi, sau khi tính các khoản thuế và chi phí khác, giá quy ra sữa nước tương đương 5.600 đồng/kg.

Ngược với cách làm của các nước, những nhà máy chế biến sữa trong nước cho đến nay phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu thay vì vào nguồn sữa bò trong nước. Điều này lý giải vì sao một loạt nhà máy của Vinamilk xây dựng ở các tỉnh không dựa vào vùng có lợi thế về khí hậu như Lâm Đồng, Sơn La… mà dựa vào thị trường tiêu thụ như Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, Bình Định.

Dutch Lady VN tự hào là công ty duy nhất cả nước có mạng lưới thú y và khuyến nông hùng hậu để tư vấn cho người nuôi và tổ chức rất tốt việc thu mua sữa bò trực tiếp, không qua trung gian nên người nuôi luôn bán với giá cao nhất có thể. Nhưng sau 10 năm có mặt ở Việt Nam, đàn bò sữa vùng nguyên liệu của công ty này còn quá khiêm tốn, lại có dấu hiệu giảm xuống.

  • Một kiểu gian lận thương mại
Bài 1: Bò… khóc! ảnh 2

Nhiều hộ chăn nuôi ngoại thành, tuyển chọn bò sữa giống tốt, cho sữa nhiều. Ảnh: THÀNH TÂM

Không đủ sữa tươi, nên các công ty phải nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên lại và pha trộn vào sữa tươi. Có thể nói, đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho chương trình phát triển bò sữa cả nước chựng lại và “góp phần” làm phá sản hàng loạt các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN cho rằng, đang diễn ra tình trạng lập lờ nhãn mác trên bao bì ghi sữa tươi, nhưng trong đó sữa bột lại chiếm 40%-70%. Sữa tươi mà nông dân bán cho nhà máy (với giá thấp) có giá trị dinh dưỡng vượt trội so với sữa bột hoàn nguyên nhập khẩu giá cao, nhất là về vitamin và acid amin. Đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải kiểm soát chặt về vấn đề này.

Ông Nguyễn Nam Vinh bức xúc, cần phải giúp người tiêu dùng biết rõ chất lượng sản phẩm mà họ sẽ mua và có biện pháp bắt buộc các công ty ghi rõ ràng với tỷ lệ các loại sữa trên bao bì để người tiêu dùng lựa chọn. Tình trạng lập lờ hiện nay là một kiểu qua mặt người tiêu dùng, có người còn gọi đây là một kiểu gian lận thương mại.

Nếu biết rõ, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tỏ thái độ dứt khoát với các loại sản phẩm chế biến từ sữa hỗn hợp của các công ty. Khi hội nhập, các sản phẩm từ loại sữa hỗn hợp này sẽ phải vất vả cạnh tranh với sản phẩm sữa nguyên chất các nước tràn vào. Đó cũng là cách buộc các công ty phải xem xét lại cách ứng xử với người chăn nuôi và trân trọng hơn với vùng nguyên liệu bò sữa hiện có.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục