Kịp thời tiếp sức người lao động mắc Covid-19

Đến ngày 30-8, TPHCM ghi nhận gần 12.230 cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động (gọi chung là NLĐ) mắc Covid-19. Những khó khăn mà Covid-19 gây ra cho NLĐ không chỉ là mất việc, mất thu nhập mà còn đe dọa tính mạng bản thân và gia đình. Đây cũng là thời điểm mà sự sẻ chia kịp thời của công đoàn, doanh nghiệp đã làm ấm lòng và tiếp sức NLĐ vượt qua gian nan.
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM trao 10.000 túi thuốc đến F0 là công nhân, lao động nghèo, người bệnh khó khăn trên địa bàn thành phố
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM trao 10.000 túi thuốc đến F0 là công nhân, lao động nghèo, người bệnh khó khăn trên địa bàn thành phố

Hỗ trợ khẩn cấp

Anh Cao Đăng Tú, công nhân Công ty CP Cấp nước Thủ Đức (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) cùng 4 thành viên trong gia đình phát hiện mắc Covid-19 từ ngày 23-7. Đáng lo nhất là mẹ anh Tú lớn tuổi, nguy cơ  diễn biến nặng. Sự lo lắng bao trùm gia đình vào tận khu cách ly tập trung.

Chị Huỳnh Thị Thùy Dung, nhân viên Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (thuộc Sawaco) cũng rơi vào tình huống tương tự khi 6 người trong gia đình mắc bệnh.

“Tôi hoảng loạn thật sự”, chị Dung chia sẻ. Ngay sau đó, gia đình chị áp dụng chế độ ăn uống, tập luyện cho F0 tại nhà. Bất cứ khi nào cần thuốc men, thực phẩm, máy đo nồng độ oxy trong máu… chị lại được công đoàn công ty chuyển đến.

“Điện thoại tôi reo liên tục hàng giờ vì mọi người quan tâm hỏi thăm. Quà hỗ trợ F0 và người thân mắc Covid-19 được chuyển đến rốt ráo. So với nhiều người mắc bệnh, mất việc, tôi may mắn quá đỗi vì nhận được sự động viên quý giá. Đó là cái tình lúc hoạn nạn”, chị Dung bày tỏ sau 1 tuần đối mặt với Covid-19.

Công ty CP Cấp nước Thủ Đức hỗ trợ chi khẩn cho anh Cao Đăng Tú 2 triệu đồng, Sawaco hỗ trợ 3 triệu đồng, Đội quản lý mạng lưới cấp nước Thủ Đức động viên 5 triệu đồng. “Đến ngày 19-8, cả nhà tôi 5 người đều được xuất viện. Nếu không có sự chăm lo, động viên kịp thời của ban lãnh đạo và các đồng nghiệp, không biết tôi có đủ sức vượt qua hay không”, anh Tú chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Tân Bình) phát hiện 1 công nhân mắc Covid-19 ngày 14-8. Lập tức, công ty tổ chức truy vết, khoanh vùng trong 215 công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết, ban lãnh đạo và đồng nghiệp kịp thời hỗ trợ 14 triệu đồng với trường hợp này.

“Đây là ca mắc Covid-19 đầu tiên trong công ty nên việc động viên tinh thần là quan trọng nhất để NLĐ đang làm việc cảm thấy thoải mái. Nhờ vậy hoạt động sản xuất được duy trì, anh em yên tâm làm việc”, ông Sơn cho biết.

Theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trường hợp này sẽ được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng.

TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhân viên điện lực vẫn làm việc, thường xuyên di chuyển nên đối diện nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là khi ra vào khu phong tỏa, cách ly.

Thực tế, một số NLĐ đã mắc Covid-19. Để hạn chế tối đa rủi ro, nguy cơ mắc Covid-19 cho NLĐ, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Đặc biệt, EVNHCMC phát huy tối đa công nghệ điều khiển vận hành hệ thống điện từ xa nên vừa bảo đảm cung cấp điện cho thành phố vừa giảm nguy cơ lây nhiễm cho NLĐ và khách hàng.

Đa dạng cách sẻ chia  với NLĐ

 Theo ông Huỳnh Đức Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Sawaco, đến ngày 27-8, đơn vị có 174 người mắc Covid-19 trong hơn 4.000 lao động. Trong đó, 40 người đã xuất viện. Công đoàn đã nhanh chóng chăm lo mỗi NLĐ mắc bệnh 3 triệu đồng. Người thân (con cái và tứ thân phụ mẫu) của NLĐ mắc Covid-19 cũng được hỗ trợ.

Ông Huỳnh Đức Thành nhận xét: “Việc chăm lo cho NLĐ mắc Covid-19 đã tiếp thêm tinh thần, động viên không chỉ cho F0 mà còn cho cả gia đình họ”.

Tại EVNHCMC, tổng công ty bố trí riêng lực lượng y tế tại chỗ để hỗ trợ NLĐ mắc Covid-19.

Theo ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC, ngoài chi phí khám chữa bệnh theo chế độ của bảo hiểm y tế, tổng công ty cùng công đoàn thống nhất sử dụng các quỹ công đoàn, quỹ tương trợ, quỹ phúc lợi của đơn vị và tổng công ty để chăm sóc nhân viên mắc Covid-19. NLĐ còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính, thuốc men, đội ngũ bác sĩ tư vấn từ xa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Tập đoàn và nhiều đơn vị điện lực miền Trung, miền Bắc.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã thống kê danh sách NLĐ các doanh nghiệp hội viên là F0 đang điều trị tại nhà để hỗ trợ thuốc điều trị.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, việc hỗ trợ thuốc được triển khai gấp rút nhưng cẩn trọng. Đơn thuốc dựa trên văn bản công bố của Sở Y tế TPHCM, với 2 loại là túi thuốc A (cho F0 không triệu chứng) và túi thuốc B (cho F0 triệu chứng nhẹ), kèm theo hướng dẫn sử dụng cụ thể. Toàn bộ 10.000 túi thuốc được đưa đến tay F0 điều trị tại nhà, ưu tiên 8 quận huyện vùng đỏ được cấp phát trước. Trong các chương trình an sinh xã hội của HUBA, ông Dũng khẳng định, đối tượng ưu tiên phải là NLĐ khó khăn.

Về việc chăm lo cho NLĐ là F0, ông Trần Thanh Sơn cho biết thêm, công ty xác định luôn đảm bảo 5K, an toàn cho mọi người dù sản xuất hay không. Tuy nhiên cũng sẵn sàng tâm lý ai cũng có thể trở thành F0, không được kỳ thị, thay vào đó là sẻ chia cùng nhau vượt qua đại dịch.

Theo LĐLĐ TPHCM, đến ngày 30-8 có gần 12.230 NLĐ mắc Covid-19. Trong đó có 5.870 nữ, 280 trường hợp mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Để động viên NLĐ mắc Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn, các cấp công đoàn hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Đến nay, các cấp công đoàn đã chi hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ mắc Covid-19. Công đoàn cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp tử vong do Covid-19.

Đối với trẻ em dưới 16 tuổi là con công nhân mắc Covid-19 được hỗ trợ 500.000 đồng/cháu; trường hợp bệnh nan y là F0 hoặc F1 được hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu.

Tin cùng chuyên mục