Kon Plông mời gọi đầu tư

Với điều kiện tuyệt vời về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cộng với những chính sách thông thoáng của địa phương, Kon Plông (Kon Tum) đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách xa gần. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm tái lập huyện (2002 - 2012), ông Nguyễn Đức Tuy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kon Plông đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
Kon Plông mời gọi đầu tư

Với điều kiện tuyệt vời về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cộng với những chính sách thông thoáng của địa phương, Kon Plông (Kon Tum) đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách xa gần. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm tái lập huyện (2002 - 2012), ông Nguyễn Đức Tuy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kon Plông đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

* Phóng viên:
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của huyện Kon Plông qua 10 năm tái lập?

* Ông NGUYỄN ĐỨC TUY: Huyện Kon Plông nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, có vị trí chiến lược quan trọng đối với Kon Tum và Tây Nguyên. Nhân dân trong huyện gồm 4 dân tộc chủ yếu: Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre và một số dân tộc khác, chung sống đoàn kết, cần cù lao động, có tinh thần anh dũng bất khuất trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Qua 10 năm sau ngày tái lập huyện (2002 - 2012), với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc địa phương, huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị luôn ổn định và giữ vững; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng thắt chặt, củng cố.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân đạt 20%/năm. Tổng sản phẩm GDP năm 2011 là 665 tỷ, tăng 22 lần so với năm 2002. Huyện tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, nhằm tạo ra một số sản phẩm có giá trị, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển các loại rau, hoa, quả xứ lạnh; dược liệu dưới tán rừng; thử nghiệm một số mô hình như: hoa ly, địa lan, hồ điệp, anh đào, mi mô sa, cải thảo, chanh dây, các loại rau rừng...

Từ chỗ cơ sở hạ tầng rất yếu kém, đến nay, 9/9 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ dân số được sử dụng điện đạt 95%. Tại trung tâm huyện hình thành khu thương mại, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác, đảm bảo đón 500 - 1.000 lượt khách/ngày.

Những năm qua, huyện Kon Plông đã thu hút được 72 dự án đăng ký đầu tư vào khu du lịch sinh thái Măng Đen với tổng số vốn đầu tư là 2.645 tỷ đồng và 198 biệt thự được xây dựng. Nhiều công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện như thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đắk Hrinh, Đắk Pô Ne, đường Trường Sơn Đông, đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông, công trình nâng cấp, mở rộng quốc lộ 24… đã tạo cơ hội cho huyện Kon Plông phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch trong tương lai.

Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Măng Đen được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch du lịch sinh thái quốc gia; huyện Kon Plông được Kon Tum xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Những giống hoa cao cấp đã được nhân giống thành công ở huyện Kon Plông.

Những giống hoa cao cấp đã được nhân giống thành công ở huyện Kon Plông.

* Ngoài những ưu đãi của thiên nhiên, huyện Kon Plông còn có vị trí chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây?

* Trong quá trình phát triển, Măng Đen, huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung rất cần có sự liên kết với bên ngoài, đặc biệt là liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung của nước ta và các nước lân cận thuộc hành lang kinh tế Đông Tây.

Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là một dự án lớn, đi qua 13 tỉnh, thành của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Để có sự liên kết vùng giữa Măng Đen, Kon Plông với EWEC thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) chính là cầu nối. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa phát huy được sự đầu tư, liên kết thị trường liên vùng trong nước, vừa là cơ hội để có thể tranh thủ, thu hút nguồn lực và du khách quốc tế từ EWEC vào Măng Đen.

Ngoài ra, với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanmar - Đông Bắc Thái Lan – Nam Lào – Đông Bắc Campuchia, với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, trong đó thông qua đường Đông Trường Sơn (dự kiến hoàn thành trong năm 2012), Măng Đen trở thành điểm trung chuyển tốt nhất.

Thác Pasi - danh thắng của huyện Kon Plông.

Thác Pasi - danh thắng của huyện Kon Plông.

* Để huyện Kon Plông thu hút đầu tư và phát triển du lịch, địa phương có kế hoạch gì, thưa ông?

* Huyện Kon Plông phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành quốc lộ 24, đường Đông Trường Sơn, để đường đến trung tâm nghỉ dưỡng Măng Đen thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, huyện huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và hạ tầng phục vụ cho sản xuất rau, hoa, cây trồng xứ lạnh và nuôi cá tầm, cá hồi để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn.

Trong những năm tới, huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác triệt để ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen. Trong đó chú trọng phát triển một số sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi gắn với cảnh quan thiên nhiên; du lịch lễ hội văn hóa, lịch sử đồng bào các dân tộc; dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng Trung tâm nghiên cứu sinh học… Đặc biệt, huyện tiếp tục vận dụng đúng đắn, linh hoạt các chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư đến với Kon Plông.

* Xin cảm ơn ông!

Huyện Kon Plông là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Kon Tum, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam. Tại đây có thị tứ Măng Đen ở độ cao từ 1.000 - 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 18 - 240C, được ví như “Đà Lạt thứ 2” của Tây Nguyên.

 

ĐỨC TRUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục