Tháng 9-2009, cơn bão số 9 cuốn trôi cây cầu sắt Đăk Tờ Kan, chia cắt hai vùng Đông và Tây của huyện vùng sâu Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Hơn 3 năm qua, người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, đặc biệt là 4 xã phía Tây của huyện (Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Đăk Na) phải hàng ngày qua lại trên chiếc cầu treo lắc lư, chao đảo bắc qua dòng suối Đăk Tờ Kan chảy xiết.
Không có cầu, cuộc sống của người dân ở các xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Đăk Na vốn đã khó khăn lại càng khó khăn; lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đưa vào, hàng nông sản đưa ra đều rất vất vả và người dân ở đây phải chấp nhận “mua đắt, bán rẻ”. Không có cầu, các công trình xây dựng cũng vì thế mà chậm chạp và phát sinh thêm nhiều chi phí. Nhiều gia đình muốn xây nhà phải tạm dừng lại.
Theo kế hoạch, cầu Đăk Tờ Kan mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 3-2012. Tuy nhiên, đến nay cầu mới xong các mố cầu, lao được 2 chiếc dầm, vẫn còn bề bộn. Và hàng ngàn người dân 4 xã phía Tây của huyện Tu Mơ Rông vẫn đang mong mỏi sớm có cầu để đi lại, ổn định cuộc sống.
M. HẢI - Đ. TRUNG
- Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.200 lượt bệnh nhân ở Gia Lai
(SGGP).- Trong các ngày từ 22 đến 24-12, đoàn công tác xã hội quận 12 (TPHCM), các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt TPHCM phối hợp Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức chương trình Ấm áp mùa đông tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai.
Tại các xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa), Hà Ra (huyện Mang Yang), Ia Púch (huyện Chư Prông), cùng với việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.200 lượt người dân, đoàn công tác cũng đã trao 900 suất quà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tặng 4 con bò cho cán bộ Đoàn cơ sở có hoàn cảnh khó khăn…, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.
Đ. TRUNG