Kon Tum: Đói nghèo đang lùi vào quá khứ

Giải phóng Kon Tum và Pleiku
Kon Tum: Đói nghèo đang lùi vào quá khứ

Trải qua 35 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Kon Tum nay đang trỗi dậy từng ngày. Không gian Kon Tum vẫn như thuở nguyên sơ với chim Chơ Rao tung cánh, hoa Pơ Lang thắm đỏ, ánh lửa bập bùng trong lễ hội đâm trâu bên mái nhà rông, có tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đổi thay, no ấm. Từ người Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Brâu ở phía Bắc đến người Ba Na, Ja Rai ở phía Nam, cùng người Kinh - người Thượng đồng lòng theo Đảng với khát vọng đẩy nghèo đói vào quá khứ.

Nằm ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có diện tích tự nhiên khoảng 10.000km², dân số toàn tỉnh xấp xỉ 430.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 53%. Tỉnh có 270km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia, tạo nên một vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực ngã ba Đông Dương và hành lang kinh tế Đông - Tây, mà điểm nhấn là cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Kon Tum: Đói nghèo đang lùi vào quá khứ ảnh 1
Một góc phố phường TP Kon Tum hôm nay. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Vì vị thế chiến lược này mà trong suốt hai cuộc kháng chiến, Kon Tum luôn là địa bàn tranh chấp chiến lược, nơi diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt, đỉnh cao là mùa hè đỏ lửa năm 1972, với chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Sau 35 năm giải phóng, Kon Tum đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên những dấu ấn khá đậm nét về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, với tốc độ tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, năng lực thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay đã tăng lên đáng kể, được tập trung vào 3 vùng kinh tế động lực là cửa khẩu quốc tế Bờ Y; khu sinh thái Măng Đen và thành phố Kon Tum. Tính đến nay, tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư vào tỉnh Kon Tum đạt hơn 14.000 tỷ đồng.

Có thể khẳng định: nhiệm vụ chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc tỉnh nhà được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng từ sau ngày giải phóng đến nay, nhất là từ khi tái lập lại tỉnh năm 1991. Từ chỗ cơ sở hạ tầng của tỉnh gần như không có gì, 65% số hộ trong tỉnh thuộc diện nghèo đói, đến nay không có hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống còn 19,16%.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Y Vêng, nói: “Suốt gần 20 năm qua, Kon Tum tựa như một “công trường” sôi động. Những tuyến đường đi các huyện như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Đăk Tô… ngày càng rộng mở, đang phá thế ngõ cụt bao năm. Trước đây, Kon Tum là tỉnh thuần nông với cây lúa và nông sản quay vòng trên đất dốc, đồi cao, khó tự chủ về lương thực, thì đến năm 2009 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 1.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rất đáng ghi nhận, giáo dục - đào tạo được chú trọng phát triển. Nếu như năm 1991, tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15 - 25 là 43,6% thì nay giảm xuống còn hơn 5%. Tỉnh đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ.

Ông Rơ Châm Giáo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Toàn tỉnh hiện đã có 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số hộ được phủ sóng phát thanh và 95% hộ được phủ sóng truyền hình, 100% số xã đã có trường học kiên cố, tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 67%.

Đến Kon Tum hôm nay, ở phố phường hay tít tắp vùng sâu, sẽ thấy người dân không còn chỉ lo cho no “cái bụng” mà còn hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Chính vì thế, người dân một lòng tin Đảng, dốc sức đẩy đói nghèo vào quá khứ. Trên mỗi buôn làng, từ các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô cho đến Tu Mơ Rông, Kon Rẫy… đã thấy vững vàng một thế trận lòng dân - quốc phòng an ninh bền vững. Đó là thành quả của cả hệ thống chính trị vững vàng từ tỉnh đến các buôn làng, là nhân tố để ổn định và phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Thúc đẩy đà phát triển, trong những năm tới Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định sẽ phát huy tiềm năng về lâm nghiệp, thủy điện và khoảng sản, về du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tỉnh sẽ nâng cấp thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II trong tương lai gần và chỉnh trang các thị trấn, thị tứ, tạo diện mạo mới trong hành trình hội nhập. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hà Ban cho biết nhiệm vụ tổng quát của Kon Tum trong 5 năm tới là: Duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng thế trận an ninh quốc phòng vững chắc. Trước mắt Kon Tum đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: tuyến đường Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh - Ngọc Hoàng; đường đi Quảng Nam, quốc lộ 14C, kè chống sạt lở sông Đăk Bla; đẩy nhanh tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum, quốc lộ 24, thủy điện Thượng Kon Tum, Nhà máy bột giấy Đăk Tô…

Kon Tum: Đói nghèo đang lùi vào quá khứ ảnh 2
Tiểu đoàn 67, bộ đội tỉnh Gia Lai, luồn rừng vượt suối, vào giải phóng thị xã Pleiku.

THANH THANH