(SGGPO).- Sáng 24-2 (mùng 6 Tết Ất Mùi), trên sông Đăk Bla đoạn chảy qua TP Kon Tum, Sở VH-TT-DL Kon Tum tổ chức giải đua thuyền độc mộc truyền thống mừng Đảng, mừng xuân Ất Mùi 2015.
Tham dự giải có 8 đội đua với gần 100 vận động viên (VĐV) đến từ các xã, phường ven sông của thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy (Kon Tum). Khác với những năm trước, ngoài cự ly 1.500 mét truyền thống, giải đua năm nay đã đưa thêm 2 nội dung thi đấu vào tranh tài là cự ly 100 mét và 200 mét. Ở nội dung 100 mét có 12 thuyền tham gia tranh tài (cự ly này mỗi thuyền chỉ có một VĐV điều khiển); 13 thuyền tranh tài ở cự ly 200 mét và 26 thuyền tranh tài cự ly 1.500 mét (mỗi thuyền có 2 VĐV điều khiển).
Các đội tranh tài
Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn khán giả hai bên bờ sông và trên cầu Đăk Bla, các VĐV Ba Na, Gia Rai đã thể hiện được kỹ năng, sức dẻo dai khi điều khiển những chiếc thuyền độc mộc là những thân cây nguyên khối được đục rỗng, là vật dụng thân thiết của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc sông Đăk Bla.
Kết thúc giải, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho xã Sa Bình (H.Sa Thầy); 2 giải Nhì và Ba lần lượt thuộc về các đội xã Kroong và xã Vinh Quang (TP Kon Tum). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải Nhất, Nhì, Ba ở mỗi cự ly và 21 giải khuyến khích cho các đội tham dự.
NAM HỒNG
Vui hội lồng tồng ở Cát Tiên
(SGGPO).- Ngày 24-2, trong không khí ấm áp đầu xuân năm mới Ất Mùi, đông đảo đồng bào các dân tộc Tày, Nùng và du khách nô nức kéo về sân vận động xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) để tham dự “Lễ hội lồng tồng” hay còn gọi ngày hội xuống đồng.
Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Sán Chỉ… đã được họ mang theo trong hành trình di cư lập nghiệp trên quê hương mới Cát Tiên. Lễ hội thường tổ chức vào mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhằm tạ ơn đất trời ban cho vụ mùa bội thu. Lễ hội lồng tồng với ý nghĩa là xuống đồng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, vui vẻ.
Thầy Tào cúng tạ ơn đất trời ban cho vụ mùa bội thu.
Tại lễ hội, người dân dâng các mâm Tồng - là các sản vật của địa phương - để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, Thầy Tào (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc.
Lễ vật gồm gà luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh khẩu si, ngũ quả, hoa, gạo, rượu và nước lá chanh, trứng vịt luộc được nhuộm đủ màu…
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: Tung còn, kéo co, đua cà kheo, đập heo đất, đâm bù nhìn, hát then đàn tính giao lưu văn nghệ các thôn trong huyện tạo không khí vui tươi nhân dịp xuân mới.
Đình Thi