Trước tình hình không khí lạnh gây rét đậm và rét hại cục bộ đang diễn ra trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã xuất 8 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách để hỗ trợ 2 huyện Kon Plong và Tu Mơ Rông cùng một số xã vùng sâu, vùng xa ở 2 huyện Kon Rẫy, Đăk Glei. Trong đó, trên 5,7 tỷ đồng cứu rét cho 100% hộ gia đình ở 2 huyện Kon Plong và Tu Mơ Rông. Ngoài ra, gần 2.900 hộ của 6 xã trong huyện Đăk Glei gồm: Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp, Đăk Choong, Đăk Blô, Đăk Man và gần 1.000 hộ ở 2 xã Đăk PNe và Đăk Kôi của huyện Kon Rẫy cũng được cứu rét đột xuất với tổng kinh phí gần 2,2 tỷ đồng. Trước Tết Tân Mão, UBND các huyện sẽ triển khai thực hiện mua sắm áo lạnh, chăn, mền…, trị giá 800.000 đồng/phần/hộ.
Đ.N.
- Khởi công xây dựng cầu Hóa An mới bắc qua sông Đồng Nai
Ngày 24-12, tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng cầu Hóa An mới bắc qua sông Đồng Nai, song song với cầu cũ. Công trình do Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp Đồng Nai (Sonadezi) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 1.100 tỷ đồng. Cầu Hóa An mới có tải trọng 30 tấn, dài 1.306m, rộng 14m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 phần đường dành cho người đi bộ; tim cầu mới cách tim cầu cũ 14,8m về phía hạ lưu. Dự kiến cầu Hóa An mới sẽ đi vào hoạt động sau 36 tháng thi công và sẽ lưu thông 1 chiều từ hướng TPHCM về TP Biên Hòa.
T.T.
- Tây Nguyên: Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang dần hồi phục
Sau hơn 2 tháng tập trung dập dịch, các tỉnh Tây Nguyên đang đẩy lùi các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Một số địa phương đã công bố hết dịch bệnh và tình hình chăn nuôi ở nhiều địa phương đang dần phục hồi và phát triển trở lại. Theo Cơ quan Thú y Vùng 5, đến gần cuối tháng 12-2010, các tỉnh Kon Tum, Đắc Nông và Lâm Đồng đã hết dịch bệnh heo tai xanh và lở mồm long móng ở trâu bò, heo. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện lẻ tẻ ở một số ít địa bàn thuộc các tỉnh cũng đã được kịp thời dập tắt. Dự kiến đến cuối tháng 12-2010, các tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc sẽ công bố hết dịch lở mồm long móng và heo tai xanh.
G.T.
- Quảng Ngãi: Phá rừng thông để trồng keo
(SGGP).- Ông Trần Công Sương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ vừa cho biết, gần một tháng qua, hơn 30ha cây thông của công ty ở các xã Ba Cung, Ba Thành, Ba Động bị lấn chiếm, nhiều diện tích thông bị đốn hạ, thay vào đó là keo nguyên liệu giấy. Công ty đã phát hiện 11 vụ xâm lấn, diện tích hơn 15.000m² nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý chưa kiên quyết các đối tượng vi phạm. Ông Sương cho rằng một số đối tượng đã vào rừng thông gọt vỏ để cây thông chết dần chết mòn rồi lấy đất trồng cây keo nguyên liệu. Ông Nguyễn Duy Hay, Trưởng thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động, nơi xảy ra tình trạng trên, cho biết xã đã tuyên truyền cho dân về trách nhiệm bảo vệ rừng thông, nhưng người dân vì thấy lợi trước mắt nên đã bất chấp phá rừng thông để trồng keo. Số diện tích thông đang bị xâm hại đã hơn 20 năm tuổi.
H.Minh