Xã Vinh Quang (thuộc TP Kon Tum) có trên 400 ha cao su tiểu điền được bà con trồng trong giai đoạn 1998-2000, theo chương trình 327 của Chính phủ. Đến năm 2004, một số diện tích đã cho khai thác nhưng sản phẩm mủ cao su tiêu thụ khó hoặc bị tư thương ép giá phải bán theo giá thu mua trôi nổi trên thị trường tự do. Quá chán nản, một số người dao động, muốn xóa bỏ vườn cây cao su, loại cây được xác định là “chiến lược” ở vùng đất này mà họ đã bỏ công chăm sóc mấy năm trời.
Là người tâm huyết với cây cao su, anh Nguyễn Thắng đã bỏ công tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cao su Tây Nguyên, có trụ sở đóng tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) để tìm hiểu công nghệ chế biến mủ cao su. Chưa yên tâm, anh còn lặn lội vào Bình Dương, tìm đến các xí nghiệp chế biến mủ cao su để học cách quản lý, tổ chức sản xuất ở những nơi này.
Trở về tỉnh Kon Tum, anh vận động, thuyết phục được 4 thanh niên đã tốt nghiệp THPT đang làm nông tại quê nhà để đưa các em vào học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chế biến. Sự mở đầu gian nan đến nỗi anh Thắng và nhiều người tưởng chừng ước vọng về một nhà máy sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Ban đầu, nghe ý tưởng muốn thành lập nhà máy của Nguyễn Thắng, nhiều người cho rằng anh làm chuyện không tưởng. Bởi hồi nào tới giờ bà con vùng này thấy chỉ có nhà nước mới có thể làm nhà máy chế biến mủ cao su thôi, do vậy, bàn vào thì ít tán ra thì nhiều.
Nhưng Nguyễn Thắng không nản, anh rủ anh Phạm Ngọc Dự, đảng viên vừa nghỉ công tác tại xã cùng tham gia xây dựng nhà máy. Được anh Dự đồng ý, họ thuyết phục thêm 6 nông dân nữa đều ở xã Vinh Quang cùng góp sức và gom được tất cả khoảng 1 tỷ đồng, trong đó riêng ông Trần An góp một mảnh đất hơn 4.000m² để xây dựng nhà máy.
Đầu năm 2005, Nhà máy chế biến mủ cao su Vinh Quang ra đời. Đến giữa năm 2005, tiếng máy đã reo vui trên vùng đất của xã Vinh Quang. Mảnh đất của nhà ông Trần An ngày trước hoang vu bây giờ nhộn nhịp, kẻ bán người mua tấp nập. Nhà máy tuyển 25 công nhân là thanh niên nam nữ trong xã vào làm việc với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/người, trong đó có 4 người là đồng bào Ba Na ở làng Đăk Chỏa, xã Vinh Quang.
Trên địa bàn xã Vinh Quang hiện có trên 3.000 ha cao su của nông dân đã cho khai thác, trong đó có khoảng 60 ha của 90 hộ là bà con dân tộc Ba Na đều là khách hàng thường xuyên bán mủ cao su vườn nhà cho nhà máy Vinh Quang. Không chỉ thu mua mủ cao su của bà con xã Vinh Quang, nhà máy còn thu mua sản phẩm của bà con trồng cao su tiểu điền ở nhiều huyện khác. A Nhơn, già làng Đăk Chỏa phấn khởi nói rất vui: “Nhà máy đã giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, không còn lo bị ép giá hoặc không có nơi tiêu thụ nữa”.
Từ 2005 đến nay, Nhà máy chế biến mủ cao su Vinh Quang đã làm ra gần 1.000 tấn mủ khô, doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng, riêng năm 2009, lợi nhuận của nhà máy này đạt khoảng hơn 300 triệu đồng. 300 triệu đồng lợi nhuận 1 năm là con số không lớn, nhưng hiệu quả lớn hơn của Nhà máy Vinh Quang đó là bên cạnh việc tạo việc làm cho nhiều người, anh Thắng và các bạn của anh còn giúp bà con giữ vườn cây cao su tiểu điền phát triển, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
ĐỨC TRUNG