Trong cơn bão số 9 (xảy ra vào tháng 9-2009), huyện Tu Mơ Rông là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Kon Tum. Ngoài thiệt hại về con người, tài sản và hoa màu, trên địa bàn huyện còn có 22 điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Trước tình hình trên, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng gần 1.400 ngôi nhà tránh lũ để di dời các hộ dân vùng sạt lở đến định cư. Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào sử dụng, nhiều ngôi nhà trong số ấy đang bị bỏ hoang, gây lãng phí hơn 20 tỷ đồng.
Cửa đóng, then cài
Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông. Nhìn bộ mặt đổi thay của địa phương vùng rốn lũ trong cơn bão số 9, ai nấy đều vui mừng. Dọc triền núi hai bên tỉnh lộ 678, những ngôi nhà tái định cư mái đỏ san sát mọc lên. Hai bên đường, bà con thu hoạch mì phơi trắng trên triền núi... Tuy nhiên, đấy chỉ là bộ mặt tổng thể của sự đổi thay sau cơn bão.
Nhìn thấy quang cảnh ấy, ai cũng sẽ nghĩ rằng cuộc sống của bà con dân tộc Xê Đăng ở xã Đăk Sao đang khởi sắc. Nhưng, được “mục sở thị” những ngôi nhà tránh lũ của bà con nơi đây; được lắng nghe những phản ánh của người trong cuộc mới thấy được cuộc sống của bà con đang còn vất vả.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Đăk Sao, toàn xã có 516 hộ, với 2.856 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là đồng bào Xê Đăng. Tháng 9-2010, 209 hộ nằm trong vùng sạt lở được nhận nhà và di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, cho đến nay rất nhiều ngôi nhà đang bị người dân ở đây bỏ hoang; phần vì không có nước sinh hoạt, phần vì xa nương rẫy và còn nhiều bất cập khác khiến họ phải quay trở về nơi ở cũ.
Trong số 85 ngôi nhà được xây dựng ngay hàng, thẳng lối ở khu tái định cư các thôn Năng Lớn 2, Năng Lớn 3 và Kạch Lớn 2, chỉ có 31 hộ còn ở; số còn lại đang bị bỏ hoang hoặc chỉ có người ở vào mùa mưa.
Ông A Ku, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao, cho biết, những ngôi nhà này được xây dựng với kinh phí 16 triệu đồng/nhà. Điện thì có nhưng nước chỉ phập phù mấy ngày đầu khi mới bàn giao. Theo chỉ dẫn của ông A Ku, chúng tôi tìm đến những ngôi nhà được bàn giao cho bà con ở các thôn nói trên, nhìn cảnh tượng những ngôi nhà hoang tàn không người ở, im ỉm cửa đóng then cài, xung quanh cây cỏ mọc um tùm; nhiều ngôi nhà không còn mái, không còn cánh cửa, chúng tôi rất đau lòng vì sự lãng phí này.
Cần đầu tư giếng nước cho dân
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao những ngôi nhà bị người dân bỏ hoang, chúng tôi phải mất một thời gian đi bộ mới bắt gặp một ngôi nhà mở cửa. Chị Y Nhuông (người dân thôn Kạch Lớn 2), một trong số 31 gia đình ở đây cho biết: Gia đình chị được cha mẹ cho ra riêng nên đến khu tái định cư. Ở đây, để có nước sinh hoạt, chị phải đi cõng nước suối hơn cây số. Nhà thì chật, công trình vệ sinh không có khiến gia đình chị phải “đi” tạm phía sau. Để đến được nương rẫy, chị phải đi bộ gần 6km...
Chúng tôi tìm đến nhà Y Phát đầu thôn, nghe chị than thở: “Vì không có chỗ nào để ở nên gia đình mình phải ở đây thôi. Sống như thế này khổ lắm. Mỗi lần hết nước sinh hoạt, chồng mình là A Xăm, phải đi cõng nước ở con suối đầu làng, cách nhà hơn 2km; lấy được một ít nước suối về dùng rất vất vả, nên mọi người trong gia đình phải bảo nhau tiết kiệm từng giọt nước. Mỗi lúc đi làm nương, vợ chồng mình phải dậy sớm chuẩn bị ăn uống, xong rồi xuất phát từ lúc 7 giờ, nhưng phải đến 9 giờ mới tới được nương rẫy...”.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, công trình nước sạch phục vụ cho khu tái định cư được xây dựng ở thôn Năng Lớn 3, cách đó chừng 4km. Để đưa được nước về khu tái định cư, đường ống dẫn phải đi qua 3 thôn. Ở các thôn này, do ý thức còn thấp nên người dân thường xuyên đục đường ống khiến nước không thể đến được khu tái định cư.
Mặt khác, do địa hình ở đây tương đối dốc, mùa mưa hay sạt lở nên bể lắng, bể lọc của công trình nước tự chảy bị bồi lấp thường xuyên. Chính quyền địa phương giao 4 gia đình khu tái định cư được bố trí quản lý, sử dụng 1 bồn chứa nước, nhưng 100% số bồn này không hề có một giọt nước. Cũng vì không có nước, nên hệ thống van xả đã bị kẻ gian lấy cắp...
Ông Cao Xuân Giá, làm nghề buôn bán và chuyên nhận thầu đào giếng ở xã Đăk Sao, cho biết: Để có nước cho bà con sinh hoạt, cách duy nhất chỉ có đào giếng. Để đào được một cái giếng có khoảng 2m nước cũng phải đào sâu 10m; sâu nhất khoảng 30m là có đủ nước sinh hoạt cho khoảng 10 hộ dân. Hiện nay, công đào mỗi mét giếng cỡ 500.000 đồng; cứ thế nhân lên, mỗi giếng tốn khoảng 15 triệu đồng là mức cao nhất, đủ nước phục vụ cho 10 hộ dân. Số tiền này không lớn, trong khi xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch tốn hàng trăm triệu đồng.
Không riêng gì ông Giá, mà ngay bà Y Gương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Sao, cũng khẳng định: Để có nước cho bà con sử dụng, cách duy nhất là đầu tư kinh phí đào giếng. Có như thế những ngôi nhà ở khu tái định cư này mới không bị bỏ hoang; tiền của nhà nước bỏ ra không lãng phí...
ĐỨC TRUNG - HOÀI NAM