Những nẻo nghề lạ

Kỳ 3: Biến tấu nghề làm mẫu

Kỳ 3: Biến tấu nghề làm mẫu

Sài Gòn-TPHCM là vùng đất mới, nơi hội tụ, dung nạp lưu dân của nhiều vùng miền với nhiều phong tục tập quán, lối sống khác nhau. Chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều loại nghề... không biết gọi tên nhưng đã nuôi sống không ít gia đình qua nhiều thế hệ. Tuần San SGGP Thứ Bảy xin giới thiệu loạt bài về những nghề lạ, hơi kỳ quái với những chuyện buồn vui, những số phận, những nỗi lòng của những con người đã gắn bó với các nghề đó như là một định mệnh.

Cuộc sống hiện đại với nhu cầu vô cùng đa dạng khiến cho nghề làm mẫu ngày nay không còn chỉ thuộc về các nam thanh nữ tú chân dài, mắt phượng, mày ngài, trang phục lộng lẫy, bước đi uyển chuyển trên sàn catwalk dưới ánh đèn cao áp và trước biết bao con mắt ngưỡng vọng mà đã có những lối rẽ rất riêng biệt, rất “thân phận” như các biến tấu dưới đây.

Cho thuê mặt, thuê tóc

Kỳ 3: Biến tấu nghề làm mẫu ảnh 1

Cho thuê... mặt để học viên thực hành trang điểm. Ảnh: THÙY VY

“Được làm đẹp miễn phí lại được trả tiền”, đó là lời khoe rất đỗi hồn nhiên của Xuân Thanh, cựu HS NTMK – về nghề cho thuê… mặt để học viên thực tập tại một lớp dạy trang điểm ở quận 3. “Rớt đại học, đang buồn bã không biết nên luyện thi tiếp năm sau hay nên học nghề thì nhỏ bạn tới rủ: Công việc nhàn lắm, không cần bằng cấp, kỹ năng hay kinh nghiệm gì cả! Nghe hấp dẫn, thế là… vào nghề, đến nay được 4 tháng rồi” – Thanh kể. Nghe qua cứ tưởng đơn giản, thế nhưng, được biết mỗi ngày Thanh phải ngồi từ sáng sớm đến tối mịt, “đưa mặt cho hết học viên này đến học viên khác thay phiên nhau bôi bôi, vẽ vẽ” - Thanh diễn tả - “Xong, mọi người ngắm nghía, bình phẩm, rút kinh nghiệm, mình đi lau rửa mặt rồi lại lên ngồi để các học viên lượt sau vẽ tiếp…”.

Cứ thế, mỗi ngày Thanh được chủ tiệm trả 50.000đồng, bao cơm trưa. “Có học viên thương, boa  thêm khi 5.000, khi 10.000 đồng, chủ yếu để mua cà phê uống vì ngồi lâu buồn ngủ kinh khủng!” – Thanh cười. Hỏi Thanh có bị tai nạn nghề nghiệp chưa? Thanh cho biết chỉ một lần bị dị ứng mụn nổi đầy mặt, bà chủ cho nghỉ cả tuần, khi hết mụn lại trở lại làm. Vậy có muốn đổi nghề không? Thanh trả lời rất nhanh: “Có chứ! Bà chủ nói ít bữa có người thế, nếu em muốn học trang điểm, bà sẽ bớt học phí. Một chị học viên cũng nói sẽ giới thiệu em qua ngồi làm mẫu ở các tiệm làm đẹp lớn hoặc spa, nghe nói ở đó trả công cao hơn, được ngồi phòng máy lạnh và nhất là học viên dùng mỹ phẩm xịn nên sẽ ít bị hư da hơn”.

Tương tự Xuân Thanh, tuy nhiên Thúy Ngọc (SV ĐH Mở-bán công TPHCM) lại chỉ… cho thuê da mặt! Vốn nổi tiếng trong trường với làn da trắng nõn, mịn màng tự nhiên, trước đó Ngọc từng làm người mẫu thời trang tại trường, một hôm bỗng lọt vào “mắt xanh” của một nhân viên chuyên tổ chức event cho một hãng mỹ phẩm. Từ đó đến nay, Ngọc nhiều lần góp mặt trong các chương trình quảng cáo sản phẩm trị mụn và làm đẹp da cho tuổi teen. “Nhiều nhất là mặc đồng phục đứng ở các siêu thị lớn trong thành phố, thoa kem dưỡng da tại chỗ cho khách hàng xem. Mỗi buổi như thế, tụi em mỗi đứa được tới 500.000 đồng. Thỉnh thoảng có thấy ngứa mặt, cũng sợ, nhưng sau khi lau rửa thật sạch thì hết. Chắc sẽ không sao vì đây là hàng chính hãng, dùng rất tốt…” – Ngọc quen miệng, tranh thủ quảng cáo!

Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty cung cấp người mẫu đủ kiểu đủ dạng, Thăng Long Photo (Lê Văn Sỹ, Tân Bình) là một trong số đó. Người mẫu mà công ty giới thiệu khá đa dạng, chuyên mang mặt, mang tóc cho thiên hạ thực tập, do vậy biên độ giá cũng rất rộng, từ 20.000 đồng cho đến… 500 USD/buổi. Nhiều người mẫu của công ty vốn là ca sĩ hoặc người mẫu thời trang như Mai Khôi, Hồng Mơ, Phương Dung, Tống Bạch Thủy… hiện là những gương mặt sáng giá, có mức thu nhập từ cao đến rất cao.

Người mẫu Phương Dung cho biết: “Mỗi buổi em cho thuê mặt, thuê tóc giá dao động từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng cho khoảng 4 giờ làm việc liên tục. Trung bình mỗi tuần em có từ 1 đến 3 sô. Thế nhưng cũng chỉ vừa đủ trang trải các chi phí sinh hoạt hàng tháng, chỉ dư dả khi có các sô biểu diễn thời trang”. Người mẫu Tống Bạch Thủy - được xem là gương mặt sáng giá nhất của Thăng Long Photo hiện nay - có giá từ 100 - 500 USD/buổi. Cô cho biết: “Trong các kiểu làm mẫu, em sợ nhất là đưa đầu, đưa mặt cho người khác tự do… sáng tác. Mỗi lần làm việc, em thường săm soi rất kỹ các loại mỹ phẩm người ta dùng. Cũng may bây giờ các chất tẩy trang có chứa sẵn thành phần dưỡng da nên tụi em mới bớt sợ”.

Hầu hết các người mẫu cho biết tai nạn nghề nghiệp mà họ thường gặp là các bệnh về da và tóc do phải chịu đủ thứ dầu gội, dầu xả, lại uốn - cắt - chải - bới, hấp - sấy năm lần, bảy lượt làm tóc khô xác xơ, chẻ tan nát và dĩ nhiên không thể giữ nếp… Còn da mặt, nhẹ thì trắng bợt ra hoặc đỏ bừng, nặng thì nổi mụn cám, mụn bọc, viêm da, sưng tấy. “Sau các buổi làm mẫu, tối về tụi em luôn phải đắp mặt nạ dưỡng da, chứ nếu không thì…” - Xuân Thanh nói, giọng thoáng bùi ngùi.

Nghề đứng mẫu

Vào thời buổi mà trên thế giới xuất hiện nhiều nghề rất đỗi lạ lùng như tạo tiếng ồn; ngồi… đếm xe; nhặt bã kẹo cao su; ngửi để loại trứng thối; phục hồi nếp nhăn cho… giày da; nếm thức ăn cho chó, mèo… thì ở ta, nghề đứng mẫu xem ra chẳng có gì là ghê gớm. Tuy nhiên, nếu có dịp bạn cứ thử nhập vai, dẫu chỉ một buổi thôi, bạn sẽ thấy chẳng hề dễ dàng.

Khoác lên mình chiếc áo đỏ rực, cười, mở cửa rồi cúi chào khách, đó là công việc mà Thùy Trang, SV ĐH Sư phạm TPHCM đang làm tại một cửa hàng thức ăn trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10). Ngày làm 6 tiếng, bao nhiêu lượt khách ra vào quán là bấy nhiêu lần Trang phải cúi chào. “Khó khăn lớn nhất là duy trì nụ cười thường trực trên môi. Có những hôm thức khuya học bài, rã rời nhưng cũng phải cố gắng cười thật tươi. Có lần một ông khách to đùng va vào mình, đau điếng mà vẫn phải cười” – Trang kể.

Còn T.Đ (SV năm 3, ĐHDL Tôn Đức Thắng) theo nghề đứng mẫu được 2 năm. Vượt qua đợt tuyển chọn khá kỹ của một công ty tổ chức sự kiện, Đ. thường xuyên đứng tại các buổi khai trương cửa hàng, giới thiệu sản phẩm… Đôi khi cô gái có vẻ đẹp e thẹn này phải khoác những bộ trang phục mỏng mảnh và trang điểm đậm – một phục sức trái với phong cách của cô. “Ngoài ngoại hình đẹp, bạn còn phải biết cách ứng xử và bản lĩnh thép để tạm quên đi sự ngại ngùng khi đứng trước đám đông. Nhưng quan trọng hơn cả là đôi chân phải thật vững vàng”, Đ. cho biết. Cũng theo Đ. thu nhập của cô khá cao, thường từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/buổi đứng từ 3-5 tiếng.

Công việc xem ra rất đơn giản, chỉ là đứng - cười - làm nền cho các sản phẩm - chào đón khách tại các buổi ra mắt nhãn hàng mới hoặc các buổi lễ khánh thành, khai trương hay họp báo long trọng. Thế nhưng để có được một chỗ đứng, các người mẫu phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khá gắt gao từ nhan sắc, chiều cao cho đến thể trọng, sức khỏe. Có nhiều kiểu đứng mẫu nhưng tựu trung thuộc các dạng: đứng yên suốt nhiều giờ liền cạnh sản phẩm giống như một ma-nơ-canh; đứng phân phát sản phẩm dùng thử tại các trung tâm mua sắm; đứng xếp hàng cúi chào khách với nụ cười thường trực hoặc đi lại tiếp khách, hướng dẫn khách vào bàn tiệc…

Người mẫu đứng thường xuất hiện với trang phục khá ấn tượng, thường là đồng phục váy áo sặc sỡ mang đặc trưng của sản phẩm hoặc áo dài, trang điểm bắt mắt và phần lớn buộc phải mang giày cao gót. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất mà các người mẫu đứng phải chịu đựng. Thế nhưng, để gây ấn tượng, nhiều người mẫu còn bị hóa trang hết sức kỳ dị đến mức... “nhận hổng ra” như xịt sơn lên người, bôi mặt như thổ dân, đeo lúc lỉu các loại “đạo cụ” trang sức, đi lại hoặc đứng lẫn vào đám đông... theo yêu cầu của sản phẩm hoặc của nhà sản xuất.

Ngoài các tai nạn nghề nghiệp như tụ máu, phồng rộp, tê dại, sưng chân…, không hiếm trường hợp người mẫu ngất xỉu do hạ đường huyết bởi không quen đứng quá lâu trên “đôi cà-kheo” (giày cao gót), lại ở chỗ đông người. Tuy vậy, với quan niệm nghề đứng mẫu khá đơn giản nên thu nhập của nghề cũng “giản đơn” theo với mức giá khoảng từ 200.000 đến 1 triệu đồng/buổi, tùy theo nhãn hàng, đơn vị hoặc tính chất của buổi lễ.

Có thể nói, nghề đứng mẫu thích hợp với các bạn trẻ 8x, 9x xinh xắn, năng động, các nữ sinh viên muốn tìm việc làm phù hợp trong dịp hè, lễ Tết, hoặc có thể thu xếp lịch học. “Qua một thời gian làm nghề này, tôi thấy mình trưởng thành rất nhanh, học được nhiều thứ mà ở trường không hề dạy, lại có được nhiều mối quan hệ rất có lợi để khi ra trường tìm việc. Đặc biệt, sức chịu đựng về thể chất lẫn tinh thần tăng lên rất cao!” - Kim Thoa, sinh viên năm 2, ĐH Du lịch, cười tươi cho biết về những cái được của nghề. Tuy nhiên, cô còn hài hước kể thêm một cái được nữa, đó là căn bệnh đau bao tử hành hạ suốt do ăn uống thất thường. “Trong túi xách của em lúc nào cũng trữ sẵn hộp thuốc nghệ mật ong” - cô nói với một chút buồn ánh lên trong mắt.

Sau cùng, đa số các “người mẫu biến tấu” kể trên cho biết đôi khi giữa đám đông, họ từng rất bối rối trước những cặp mắt quen-lạ với ánh nhìn thương hại. “Anh bạn tôi không thích tôi làm công việc này nên chúng tôi gây gổ suốt. Nhiều bạn khác cũng hoàn cảnh y như vậy” - Kim Thoa tâm sự. Tuy nhiên, nói như anh Hải, nhân viên phụ trách khâu casting (tuyển chọn) người mẫu cho một công ty tổ chức sự kiện có tiếng trong thành phố: “Đây là nghề rất đỗi chân chính trong vô số những nghề mới phát sinh trong thời buổi hiện đại bởi nó trực tiếp góp phần làm đẹp và mang lại nhiều màu sắc hơn cho cuộc sống hối hả, gấp gáp ngày nay”.

Kỳ cuối: Làm đẹp cho người... thiên cổ

PHẠM – QUỐC – TRÂM

Thông tin liên quan:

Kỳ 2: Nuôi dế trong... xô !

Kỳ 1: Nuôi bò cạp: Gian nan mới thành “vua”

Tin cùng chuyên mục