Hơn chục năm trước, khi Arsene Wenger đến Arsenal cầm quân, ông bị báo chí Anh coi thường ở mức độ cao nhất mà một HLV có thể chịu đựng. “Arsene nào thế?”, “Lạy Chúa, ông ta vừa huấn luyện ở Nhật!”, các dòng tít lớn nhằm vào Wenger giữa thập niên 1990 đại khái là như vậy. Giờ đây, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ cho thấy Wenger có thể ra đi cũng đủ làm báo chí Anh lên cơn sốt, tất nhiên là theo chiều hướng ngược lại.

HLV Arsene Wenger của Arsenal đã từng bị báo chí Anh nghi ngờ!
Nói chung, phản ứng đầu tiên của báo chí và giới bóng đá Anh khi có đội bóng ở Premier League thuê HLV nước ngoài trước đây luôn là sự nghi ngờ. Ngay cả Jose Mourinho lừng danh cũng bị nghi ngờ. Ông kể lại: “Tôi đưa Porto lên ngôi vô địch Champions League ngày 26-5 và đến London ngày 28-5. Báo chí Anh khi ấy đặt những câu hỏi như thể tôi chỉ là kẻ tay mơ trong nghề huấn luyện”. Xin nhắc lại, đấy là Mourinho vừa vô địch Champions League. Ông ta biết gì về bóng đá Anh? Ông cần bổ sung những phẩm chất gì để có thể cầm quân ở Premier League? Ông ta đủ kinh nghiệm chưa? Đã làm việc với các ngôi sao lớn?
Khi Mourinho chuyển đến Chelsea thì Rafael Benitez cũng chuyển đến Liverpool và cũng được bóng đá Anh chào đón bằng vẻ nghi ngờ. Nay thì đã khác. Người dân Anh hy vọng Juande Ramos sẽ giúp Tottenham gượng dậy. Bóng đá Anh thay đổi thái độ đối với các HLV nước ngoài, đến nỗi cả Avram Grant - người Israel - cũng có địa vị ở Chelsea. Các đội bóng hàng đầu của Anh giờ đây đều do HLV nước ngoài dẫn dắt. Giới bóng đá Anh dù không muốn thay đổi cái nhìn thì cũng chẳng được.
Từ nay sắp tới, hễ một đội bóng có chút tên tuổi ở Premier League thay HLV, ưu tiên một sẽ thuộc về HLV nước ngoài vì HLV bản xứ của bóng đá Anh rất bảo thủ, thường không có ý thức học hỏi và thua hẳn đồng nghiệp bên ngoài về mặt bằng cấp. Nghe có vẻ lạ, nhưng nước Anh chính là cường quốc bóng đá cuối cùng tuân theo chỉ thị của UEFA trong việc tiêu chuẩn hóa bằng cấp huấn luyện. Các HLV người Anh hay hỏi ngược: “Vì sao chúng tôi phải học khi chúng tôi vô địch World Cup nhờ một HLV không có bằng cấp? Vì sao phải học khi Matt Busby và Bobby Robson đều không cần bằng cấp mà vẫn huấn luyện bóng đá thành công?”.
Ở Ý thì khác. Thế hệ ngày xưa với những ảnh hưởng nhất định từ bóng đá Anh truyền sang, coi như không kể. Nhưng ngay từ những ngày đầu của kỷ nguyên chuyên nghiệp, bóng đá Ý tỏ rõ sự trân trọng khả năng chuyên môn của các HLV nước ngoài. Helenio Herrera đưa Inter lên đỉnh cao bằng lối chơi catenaccio đi vào sử sách. Một Herrera khác, Heriberto Herrera đến từ Paraguay, đưa Juventus lên ngôi vô địch.
Đấy cũng là lúc Ljubisa Brocic và Cestmir Vycpalek thành công ở Serie A. Rồi đến thời kỳ hoàng kim trong những năm 1980 của Vujadin Boskov, Sven Goran Eriksson, Nils Liedholm (huyền thoại bóng đá Thụy Điển vừa qua đời). Gần đây là Oscar Washington Tabarez, Sebastiao Lazaroni, Carlos Bianchi, Cesar Luis Menotti.
Điểm chung của 4 HLV này: họ đều là những cây đại thụ trong làng bóng Nam Mỹ, nổi tiếng vì cả danh hiệu lẫn sự am tường chuyên môn. Họ đều đến Serie A trong sự kỳ vọng và đều ra đi bằng cửa sau, hầu như không để lại vết tích gì trong những năm cầm quân ở Ý. Nghĩa là ngược hẳn với các HLV nước ngoài ở Anh (đến trong sự miệt thị nhưng ra đi trong vinh quang).
Chính vì yếu tố ham học hỏi nơi các HLV nước ngoài về mặt chuyên môn nên HLV nội địa ở Ý được trang bị kiến thức huấn luyện đầy đủ, bài bản hơn HLV bản xứ của Anh. Hệ quả là giờ đây, khi các đội bóng Ý thay HLV, họ luôn có “nguồn dự trữ” dồi dào. Serie A quy định: HLV mới phải là người không ràng buộc với đội bóng nào khác, trong cả mùa bóng chứ không chỉ ở thời điểm thay HLV.
Có nghĩa, Serie A chỉ chấp nhận một HLV đang... thất nghiệp thay thế HLV cũ. Ở Anh không có quy định ấy, cũng vì lực lượng HLV dự trữ của bóng đá Anh không thật dồi dào. Thường thì HLV được mời thay thế người cũ ở Anh là HLV đang huấn luyện một đội bóng khác, trong hoặc ngoài nước, hoặc đấy là người sẵn có ở CLB, nay chuyển sang vai trò HLV trưởng.
Vì sao HLV giỏi của bóng đá Anh đang cạn kiệt dần trong khi HLV bản xứ của Ý hay bất cứ nền bóng đá lớn nào khác đều rất sung túc? Một phần, đấy là vì khác biệt trong ý thức học hỏi, như David Platt thừa nhận. Phần khác, vì giới hâm mộ Anh thường không quá xem trọng kết quả như giới hâm mộ trong trường phái Latin. Ở Ý, nổi tiếng cỡ nào mà kết quả không được như ý thì HLV trưởng lập tức hứng lấy búa rìu dư luận. Giống như Brazil với “180 triệu HLV trưởng ĐTQG”, nước Ý cũng có khoảng “70 triệu HLV trưởng”.
Chỉ những tifosi điên rồ mới nghĩ rằng họ chơi bóng giỏi hơn Totti, Nesta. Nhưng điều binh khiển tướng như Donadoni thì họ… có thể làm được. Áp lực nặng nề hơn buộc các HLV Ý phải ham học hơn đồng nghiệp ở Anh. Nước Anh không có kiểu áp lực như thế đối với các HLV. Nhưng giờ đây, bóng đá Anh cũng phải thay đổi nếu không muốn ngày càng tụt hậu.
TRI KỶ
Bài liên quan:
- Kỳ 1: Bất tài hay không gặp thời?
- Kỳ 2: Đôi khi người ta muốn... bị sa thải!