Sau nhiều năm thương thảo giữa các nước trong năm 2015, Việt Nam (VN) sẽ ký kết 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội về xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu thương mại giữa VN và các nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp VN sẽ có cơ hội và thách thức gì, nhà nước hỗ trợ gì giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Sóng lớn, thuyền lớn
Nội dung chính của các hiệp định được ký kết lần này là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa mậu dịch, nhờ đó mở ra cơ hội rộng lớn cho các nước tham gia cuộc chơi. Đối với doanh nghiệp VN, cơ hội lớn nhất vẫn là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, muốn ra biển lớn, chịu sóng lớn thì đòi hỏi doanh nghiệp VN phải đóng thuyền lớn. Trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hoá thì chỉ có các DN mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể trụ được. Đây chính là thời điểm thanh lọc các doanh nghiệp yếu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, hiệp định mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ. Để kịp thời nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức, doanh nghiệp VN cần tăng cường sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của Nhà nước. Các hình thức sản xuất theo kiểu kêu gọi “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không còn là điểm mạnh khi thuế quan được tháo dỡ, hàng hóa tự do mậu dịch giữa các nước tràn vào. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước yếu sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước không nâng cao chất lượng sản xuất thì sẽ không xâm nhập vào thị trường các nước. Các nước EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nếu không “chuẩn hóa” sản phẩm của chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, dù hiệp định có mở ra cơ hội, chúng ta cũng không nắm bắt được.
Nhiều doanh nghiệp VN đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.
Phải đổi mới tư duy...
Muốn tăng khả năng cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp VN phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy theo cơ chế kinh tế thị trường. Phải nhìn nhận, doanh nghiệp VN nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của doanh nghiệp VN còn yếu, còn thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Đây chính là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Để doanh nghiệp VN có thể nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng được các lợi thế do hội nhập kinh tế mang lại, chúng ta cần điều chỉnh chiến lược hội nhập thời gian tới. Đó là, nhà nước cần cải cách mạnh mẽ, nhanh và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề và nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, nhà nước cần quy tụ các doanh nghiệp, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài; đảm bảo thị trường trong nước được giữ vững bằng các hàng rào kỹ thuật thương mại, đồng thời xây dựng nguồn nguyên liệu chuẩn để đủ sức xâm nhập thị trường các nước.
Lộ trình cắt giảm thuế quan đối với một số hiệp định FTA như sau: Hiệp định TPP: Mục tiêu là giảm thuế và những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% loại thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của VN. Như vậy, thuế giảm sẽ là điều kiện tốt để VN đẩy mạnh xuất khẩu. FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào VN. Hàn Quốc dành cho VN ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cho VN cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Hàn Quốc cam kết tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế. FTA Việt Nam - EU: EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN trong nhiều năm qua, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiệp định này miễn thuế với ít nhất 90% các dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của VN vào EU, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường châu Âu. Và đây cũng là cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU vào VN. FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan: Hàng hóa xuất khẩu giữa VN và các thành viên Liên minh Hải quan mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Ước tính, sau khi hiệp định được ký kết, xuất khẩu từ VN sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%. Hiệp định cam kết có ít nhất 80% hàng hóa VN sẽ được miễn thuế. |
HÀN NI