“Kỷ lục” Việt Nam: Đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m² đất

Xa thực tế

Dự án xây dựng Trung tâm thương mại – văn phòng – nhà ở (tại số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa qua đã gây xôn xao dư luận khi chủ đầu tư chấp nhận thỏa thuận bồi thường 500 triệu đồng, rồi 600 triệu đồng/m² đất cho một số hộ nằm trong phạm vi dự án… nhưng vẫn chưa xong.

Xa thực tế

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tại dự án trên có 3 chủ sử dụng đất (trong phạm vi thu hồi đất của dự án) “đòi” bồi thường tới 1 tỷ đồng/m². Nếu được chấp nhận, đây sẽ là mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Cần nói thêm, theo khung giá đất bồi thường, hỗ trợ được UBND TP Hà Nội ban hành, áp dụng cho năm 2010, mức giá cao nhất tại quận Hoàn Kiếm cũng như trên toàn TP Hà Nội là 81 triệu đồng/m² và cũng chỉ áp dụng cho vị trí ở mặt đường của 3 tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ. Vị trí 1 của tuyến phố Hàng Bài theo khung giá này cũng chỉ 72 triệu đồng/m²...

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, tuy dự án này không thuộc diện chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với dân về GPMB, nhưng do đây là dự án phát triển kinh tế, lại được sự đồng thuận của sở, ngành chức năng, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, chủ đầu tư đã tiến hành thương lượng với các hộ dân về mức bồi thường, hỗ trợ. Theo đó, mức bồi thường hỗ trợ cho phần diện tích tầng 1 (thông tầng) là 500 triệu đồng/m²; đất tầng 1 không có nóc: 300 triệu đồng/m² và tầng 2: 200 triệu đồng/m². Tuy mức bồi thường đã cao hiếm có như vậy, nhưng đến nay vẫn còn 3 chủ sử dụng đất tiếp tục đòi mức giá bồi thường 1 tỷ đồng/m², khiến chủ đầu tư không thể đáp ứng được. “Kết quả dự án vẫn bị “treo”, chưa thể hoàn thành GPMB”, ông Lâm Quốc Hùng cho biết.

Trên thực tế, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, yêu cầu “1 tỷ đồng/m²” cách quá xa so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn này. Phòng chức năng của quận đã tiến hành thu thập thông tin và cho biết, giá tham khảo (giá chào bán công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng) tại một số đường phố “khủng” nhất tại Hà Nội ở thời điểm hiện tại cũng chỉ từ 400 – 500 triệu đồng/m² đất mặt đường (bao gồm cả công trình nhà ở). Tại phố Huế, giá rao bán căn nhà mặt phố, diện tích 90m², có “sổ đỏ” khoảng 400 triệu đồng/m², còn tại phố Hàng Ngang - khu vực kinh doanh sầm uất nhất của Hà Nội - giá chào bán nhà mặt phố khoảng 440-450 triệu đồng/m²...

Tiền lệ xấu

Vào những ngày cuối cùng của năm 2010, giới bất động sản Hà thành tiếp tục choáng váng vì theo biên bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án – Công ty CP Thời đại mới T&T và các hộ dân, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 2 gia đình, chủ sử dụng diện tích 32,1m² đất (đang có nhà cấp 4, 1 tầng) tại địa chỉ 25 Hai Bà Trưng, lên tới 19,26 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông đất ở đây được bồi thường tới 600 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt (theo bảng giá đất được UBND TP Hà Nội ban hành) chỉ dừng ở con số khiêm tốn khoảng 1,48 tỷ đồng, tức chưa đến 10%. Ngược lại, số tiền chủ đầu tư đồng ý bồi thường hỗ trợ và “thưởng” thêm cho 2 gia đình nói trên chiếm hơn 16,8 tỷ đồng (các gia đình sẽ tự lo nơi ở mới và đồng ý giao lại cho chủ đầu tư toàn quyền sử dụng và sở hữu diện tích nhà tái định cư trong tiêu chuẩn của dự án).

Như vậy, tại Hà Nội, nơi GDP bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 37 triệu đồng/năm (khoảng 1.950 USD), tổng số tiền bồi thường cho 32,1m² đất tại vị trí nêu trên đã đạt xấp xỉ 1 triệu USD.

Mới đây, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm đã họp và thống nhất: “Giao UBND quận chỉ đạo tiến hành biện pháp cưỡng chế hành chính di dời đối với các hộ dân còn lại đến khu tạm cư, hoàn thành GPMB để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”. Theo dự kiến của UBND quận Hoàn Kiếm, thời hạn chót để hoàn thành công tác GPMB được ấn định trước ngày 15-1-2011.

Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – văn phòng – nhà ở (tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng) có diện tích thu hồi đất 4.072,9m² đất. Trong đó, hơn 3.600m² đất do Công ty Nhựa Hà Nội quản lý đã bàn giao từ năm 2004. Tuy nhiên, việc GPMB hơn 300m² còn lại với 17 hộ sử dụng đất đã bị ách tắc trong hơn 6 năm qua. Hy vọng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ giúp chấm dứt tình trạng “càng chây ỳ càng có lợi” trong công tác GPMB.

An Trung

Tin cùng chuyên mục