Kỷ niệm 100 năm cuộc Khởi nghĩa của anh hùng N’Trang Lơng (1912 - 2012) - Dấu tích xưa còn đó

Kỷ niệm 100 năm cuộc Khởi nghĩa của anh hùng N’Trang Lơng (1912 - 2012) - Dấu tích xưa còn đó

Cách đây 100 năm, anh hùng N’Trang Lơng đã lãnh đạo đồng bào dân tộc trên Cao nguyên M’Nông đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và để lại nhiều dấu tích lịch sử tiêu biểu cho vùng đất Tây Nguyên. Sau khi được công nhận di tích quốc gia, những dấu tích cuộc khởi nghĩa này đã được tỉnh Đắc Nông lên phương án phục dựng, tôn tạo để giữ gìn cho con cháu mai sau.

Đi tìm dấu tích

Ngay khi mới tách khỏi tỉnh vào năm 2004, Bảo tàng Đắc Nông đã đi tìm lại dấu tích cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng. Bà Ngô Thị Kim Cúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắc Nông) nhớ lại: “Khi mới tách tỉnh, chúng tôi phải làm ngay công việc tìm dấu tích cuộc khởi nghĩa này vì sợ các nhân chứng mất đi khi chưa gặp được họ.

Bức họa tái hiện cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng ở Bảo tàng Đắc Nông.
Bức họa tái hiện cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng ở Bảo tàng Đắc Nông.

Rất may, lãnh đạo tỉnh lúc đó và nhiều nhân chứng đã ủng hộ chúng tôi làm việc này. Vì vậy, công việc diễn ra suôn sẻ và chúng tôi đã tìm ra những dấu tích cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng”.

Lúc đó, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đức - bao gồm tỉnh Đắc Nông, một phần nhỏ tỉnh Đắc Lắc, Bình Phước và Lâm Đồng ngày nay), ông Nguyễn Khắc Tính (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đức), ông Điểu Sin (cháu ba đời của bà Pang, vợ thứ hai của ông N’Trang Lơng) và ông Điểu Xiêng (cháu ba đời của ông R’Ong Leng - một trong những thủ lĩnh tài giỏi của nghĩa quân N’Trang Lơng) đã dẫn đoàn công tác của bảo tàng tỉnh vượt núi, băng rừng vào những nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân N’Trang Lơng.

Khi đến địa điểm đầu tiên là bon Bu Nor (nơi diễn ra lễ kết minh trá hàng giết Henri Maitre), trước mắt đoàn chỉ là bãi đất trắng nằm trong cánh rừng của lâm trường Quảng Tân. Nhưng rất may vẫn còn lại hàng rào cây gòn của buôn. “Nhìn hàng rào cây gòn, ông Điểu Xiêng khẳng định đấy chính là bon Bu Nor mà ông từng nghe kể.

Sau khi Pháp dập tắt được cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng, bon Bu Nor phải dời đi chỗ khác vì sợ bị trả thù và chúng tôi phải nhờ các nhân chứng chỉ dẫn mới xác định được chính xác bon Bu Nor ngày xưa”, bà Cúc chia sẻ. Sau hành trình đầu tiên về đây, Bảo tàng Đắc Nông cùng các nhân chứng tiếp tục đi tìm những di tích khác của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng như: Mộ Henri Maitre, đồn Bu Méra, bia tưởng niệm Henri Maitre…  

Đến năm 2006, bảo tàng và Sở VH-TT tỉnh Đắc Nông (cũ) đã hoàn thành hồ sơ khoa học “Một số địa điểm di tích lịch sử tiêu biểu trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo” trình Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là di tích cấp quốc gia. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, khai thác nguồn tư liệu ở nhiều nơi, liên hệ với các nhà nghiên cứu, kể cả ở Pháp để đáp ứng yêu cầu trưng bày, phát huy giá trị di tích tương xứng với công lao to lớn cũng như sự cống hiến của N’Trang Lơng với đồng bào Đắc Nông trong công cuộc đấu tranh chống Pháp.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và lập hồ sơ, quần thể di tích cuộc khởi nghĩa này đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 27-8-2007.

Bảo tồn, phục dựng di tích

Sau khi được công nhận di tích quốc gia, tỉnh Đắc Nông đã tổ chức khoanh vùng bảo tồn, lên phương án phục dựng để phát huy giá trị một số địa điểm dấu tích lịch sử tiêu biểu đã được tìm thấy. Đồn Bu Méra - cơ quan đầu não của các cuộc hành quân xâm chiếm và đàn áp đồng bào M’Nông, nơi bị nghĩa quân N’Trang Lơng tiêu diệt năm 1914 - là dấu tích hiếm hoi và quý báu, ghi lại chiến công hiển hách trong cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào M’Nông. Đồn hiện nằm ở bon Bu Boong (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) có diện tích chỉ khoảng 1ha, nhưng là một quần thể sinh thái đa dạng với nhiều loại gỗ quý. Tỉnh đã cho xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực đã quy hoạch với diện tích khoảng 15ha, lên phương án trùng tu và gia cố đồn.

Ngoài ra, nhà ở và chòi canh của thực dân Pháp cũng sẽ được phục dựng lại nguyên trạng; xây dựng nhà trưng bày bổ sung, giới thiệu các tài liệu, hiện vật mà đồng bào, nghĩa quân và N’Trang Lơng đã sử dụng trong quá trình đánh Pháp để phục vụ khách tham quan.

Bia tưởng niệm Henri Maitre (nằm ở xã Đắk Búk So) cũng sẽ được trùng tu, tôn tạo căn cứ theo tư liệu lịch sử, tạo thành điểm tham quan để người dân hiểu được tội ác và sự thất bại của thực dân Pháp xâm lược.

Theo lời kể của các già làng: Khi quay lại đánh chiếm Tây Nguyên lần 2 vào năm 1946, thực dân Pháp đã cho xây dựng bia tưởng niệm Henri Maitre để ghi nhận công lao bình định vùng đất Sơn Nguyên Nam Đông Dương của ông ta. Dấu tích này nằm cạnh quốc lộ 14B, hiện nay đã bị hư hỏng nặng và chỉ còn lại cột trụ bằng xi măng cao khoảng 3m.

Di tích bon Bu Nor và mộ Henri Maitre (nay thuộc bon Bu Nor B, thôn 6, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức) hiện nằm trong phạm vi rừng phòng hộ của lâm trường Quảng Tân. Tỉnh đã xây dựng hàng rào, hành lang bảo vệ và mở rộng con đường vào di tích khoảng 2km. Nằm ngoài hàng rào bon Bu Nor (cũ) khoảng 15m về hướng Bắc là mộ của Henri Maitre.

Ông Điểu Xiêng kể: “Sau khi tiêu diệt được Henri Maitre cùng đoàn tùy tùng, đồng bào bon Bu Nor đã chôn ông ta bên ngoài bon và lấy đá ở con suối bên cạnh đắp lên mộ”. Phần mộ của Henri Maitre hiện vẫn còn khá nguyên vẹn với diện tích khoảng 3m².

Sở VH-TT-DL Đắc Nông cho biết: Tại đây, phương án được đưa ra là tái lập bon Bu Nor với khoảng 20 gia đình đồng bào tại chỗ để vừa lao động, xây dựng kinh tế gia đình vừa tham gia hướng dẫn du lịch. Người dân ở đây sẽ bảo vệ di tích và tổ chức tái hiện lại sự kiện lịch sử năm 1914 khi nghĩa quân N’Trang Lơng trá hàng giết Henri Maitre.

Trong một ngày không xa nữa, hy vọng các di tích cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng sẽ được tỉnh Đắc Nông phục dựng lại nguyên trạng để tưởng nhớ công ơn đánh Pháp của người anh hùng trên Cao nguyên M’Nông và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.


CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục