Chí sĩ Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, sinh ngày 26-12-1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, từ nhỏ, Phan Bội Châu đã nung nấu, sục sôi tinh thần yêu nước thương nòi. Ngay từ năm 18 tuổi, ông đã lập “Sĩ tử Cần Vương đội” với ý định đánh úp Thành Nghệ An nhưng không thành. Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu đã đi nhiều nước ở Đông Nam Á và Đông Á học hỏi, phát động các phong trào yêu nước như: Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội... nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, tham gia. Nổi bật trong các phong trào này là phong trào Đông Du với tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ. Phong trào Đông Du đã đặt nền móng cho những thay đổi sâu sắc của nước ta đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản.
Chí sĩ Phan Bội Châu không chỉ là nhà cách mạng tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là nhà văn hóa yêu nước, nhà tư tưởng dân chủ lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông đã để lại cho hậu thế không chỉ là kho tàng trước tác đồ sộ, phong phú chứa đựng lượng tri thức đồ sộ, mà trên hết là tấm lòng kiên trinh với đất nước; một nhân cách cao đẹp, một phong cách tư duy nhạy bén, mẫn tiệp. Trong quá trình hoạt động của mình, Phan Bội Châu còn đóng vai trò là sứ giả văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai nước. Đúng như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phan Bội Châu là “Vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn.