1. Ngày Giải phóng thủ đô (10-10) năm nay, Hà Nội không tổ chức những chương trình kỷ niệm, sân khấu nghệ thuật với đông đảo khán giả để phòng chống dịch Covid-19. Song, trong cái lành lạnh mà ngập nắng của những ngày tháng mười lịch sử, trên mỗi góc phố vẫn văng vẳng giai điệu quen thuộc: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…”. Những thanh âm rộn ràng ấy chảy tràn trong không gian, nhảy nhót trên những tán sấu già rồi hòa trong dòng người chầm chậm trên phố. Hà Nội là vậy, dường như chẳng điều gì khiến nơi này vội vã hơn được.
Có lẽ vì thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi xuất thân ở phố cổ Hà Nội nên cái không khí ấy đã cho ông cách cảm, cách nghĩ để rồi bật ra những nốt nhạc trầm bổng, những lời ca tuyệt đẹp. Trong lời ca ấy có “Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…”, có “Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm…/ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…”.
2. Nếu như Người Hà Nội là lời thề son sắt buổi lên đường thì Tiến về Hà Nội đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô. Đây cũng được coi là bài hát kỳ lạ nhất, khi có những ca từ trùng khớp với những gì diễn ra sau đó (bài hát được sáng tác năm 1949, 5 năm trước khi Hà Nội được giải phóng hoàn toàn). Hàng năm, cứ đến Ngày Giải phóng thủ đô 10-10, bài hát Tiến về Hà Nội của cố nhạc sĩ Văn Cao lại được vang lên như một bản hùng ca gợi nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử của thủ đô.
Cùng trong rừng bài hát về Hà Nội, Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương lại mang một phong vị hoài cổ, kiểu công tử, lãng đãng mà tha thiết. “Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi. Áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Phố phường rải ánh trăng mơ. Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ…”. Những giai điệu vừa dịu dàng, vừa ngọt ngào, hoài cổ nhưng lại đẹp đến lạ lùng được chắt ra từ chính cảm xúc của chàng nhạc sĩ trẻ Hoàng Dương khi ấy, đã đem đến cho người nghe một Hà Nội thật khác. Và có lẽ, cũng chính bởi sự lãng mạn là duyên cớ để Hướng về Hà Nội đến với khán giả trong nước chậm hơn sau khi đi một chặng đường dài với khán giả Việt Nam ở nước ngoài.
Trong miên man những bài hát về đất và người thủ đô, còn đó những cảm xúc đặc biệt với Có phải em mùa thu Hà Nội - Tô Như Châu, Trần Quang Lộc; Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn; Hà Nội đêm trở gió - Chu Lai, Trọng Đài; Tiếng nói Hà Nội - Văn An; Đâu phải bởi mùa thu - Phú Quang… Mỗi bài hát chứa chan những cảm xúc sâu đậm về mảnh đất linh thiêng, hào hoa này, nơi khí thiêng tụ hội; là những mảnh ghép diệu kỳ trong một bức tranh âm nhạc đồ sộ về Hà Nội xưa và nay. Một Hà Nội tự hào về quá khứ đang đổi mới từng ngày với những khát vọng lớn lao.