Kỳ tích xóa nghèo ở Cầu Tre

Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) nằm ở vùng sâu, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 93% dân số, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Không ngờ chỉ sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã tạo nên “kỳ tích”, hộ nghèo lùi dần, hộ khá tăng liên tục; nhà tường nối tiếp mọc lên trên vùng đất khó.

Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) nằm ở vùng sâu, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 93% dân số, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Không ngờ chỉ sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã tạo nên “kỳ tích”, hộ nghèo lùi dần, hộ khá tăng liên tục; nhà tường nối tiếp mọc lên trên vùng đất khó.

Ngồi trong căn nhà tường khang trang vừa xây xong trị giá gần 400 triệu đồng, anh Thạch Phênh vẫn chưa tin đó là sự thật. “Bà con Khmer xứ này xưa nay chật vật dữ lắm, đâu nghĩ tới xây nhà tường. Nhờ trúng mùa mấy năm, ước mơ đã thành sự thật. Năm 2013, lần đầu tiên được đón tết trong căn nhà đẹp” - Thạch Phênh hãnh diện cho biết.

Lớn lên trên vùng đất cát gò cao, điều kiện sản xuất phụ thuộc vào thời tiết; hạn hán, xâm mặn đe dọa thường xuyên khiến năng suất lúa rất thấp, chỉ 3 - 4 tấn/ha. Vợ chồng Thạch Phênh làm quần quật hàng chục năm nhưng cuối cùng cũng chỉ “lúa cũ đổi lúa mới”, những lúc con đau phải đi vay nợ vì nhà không có tiền dư. Cuối năm 2007, tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành hệ thống kênh bê tông nổi với trục chính dài 1,7km cùng 18 nhánh rẽ dài 12km dẫn nước vào đồng ruộng đảm bảo tưới tiêu cho 110ha đất lúa ở ấp Cầu Tre. Có được hệ thống kênh, nông dân chủ động nguồn nước tưới không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước.

Tuy nhiên, cái khó là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lại xuất hiện làm nông dân mất mùa liên miên, gây tâm lý hoang mang lo lắng. Trong lúc chính quyền rối bời vì dịch rầy nâu thì Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật cùng các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh triển khai mô hình liên kết bốn nhà “Cùng nông dân ra đồng” phòng trừ rầy nâu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh lo phần giống nguyên chủng cho dân, còn AGPPS tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng trị bệnh và hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, năng suất lúa vụ hè thu năm 2007 đạt tới 5,8 tấn/ha, cao kỷ lục trên vùng đất khó.

Theo Bí thư chi bộ ấp Cầu Tre Thạch Sa Mol, từ vụ hè thu thành công đã tạo bệ phóng để Cầu Tre đi lên trong các vụ thu đông và đông xuân. Cứ qua mỗi mùa vụ canh tác, năng suất lúa lại tăng dần và đến nay lúa ở Cầu Tre đã đạt 7 - 8 tấn/ha, có hộ tới 9 - 10 tấn/ha; tính bình quân nông dân thu lời 40 - 50 triệu đồng/ha/năm từ trồng lúa.

Ông Thạch Kiên, Trưởng ấp Cầu Tre, mừng ra mặt: Cái nghèo, cái đói bây giờ đã lùi xa. Ngày trước đa số người dân đều nghèo, nay toàn ấp chỉ còn 44 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8%); nhà tường mọc lên hơn 318 căn; hầu hết các gia đình đều có xe gắn máy, riêng xe tay ga đời mới đã hơn 400 chiếc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS, tâm sự: “Mục tiêu của AGPPS là không cho con cá mà giúp nông dân cần câu để họ vươn lên. Trong 5 năm qua AGPPS “cắm” nhiều kỹ sư bám đồng ruộng trực tiếp hướng dẫn nông dân thay đổi phương pháp sản xuất như làm đất, sạ thưa, sử dụng giống lúa chất lượng cao, bón phân cân đối… Đặc điểm đồng bào Khmer là phải thấy tận mắt, chứng kiến hiệu quả mới tin và những vụ lúa trúng mùa vừa qua đã làm cho bà con rất phấn khởi”.

Từ 110ha đầu tiên ở Cầu Tre, đến nay AGPPS mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Trà Vinh lên hơn 520ha, cùng 140 điểm trình diễn để nông dân tiếp cận phương pháp sản xuất mới. Ông Đinh Hữu Đạt, Phó phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần, thừa nhận, ngày trước cũng có nhiều cách giúp bà con xóa nghèo nhưng sau đó vẫn tái lại. Đối với mô hình đưa đồng bào Khmer từ làm riêng lẻ vào sản xuất liên kết theo quy mô lớn, nhằm thay đổi được tập quán canh tác đã đem đến thành công mỹ mãn. Đây chính là cách xóa nghèo bền vững, rất cần nhân rộng. 

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục