Ký ức oai hùng của người con đất Nam kỳ

“Các cánh quân từ 4 phía tiến thẳng vào đồn Hóc Môn. Đồng chí Đỗ Văn Dậy (Chỉ huy trưởng) hô hào anh em tìm cách trèo lên tầng trên và chính đồng chí bám ống máng nước trèo lên… Khí thế sôi sục vô cùng. Người này rơi xuống, người khác lên thay, cứ thế quyết liệt giằng co đến gần sáng”, lời ông Nguyễn Văn Lực, thuyết trình viên di tích Dinh quận Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM), cuốn hút kể về ngày khởi nghĩa Nam kỳ cách đây 83 năm (23-11-1940).
Đoàn học sinh tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại di tích Dinh quận Hóc Môn
Đoàn học sinh tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại di tích Dinh quận Hóc Môn

Đêm Dinh quận và tiếng mõ rền vang

Tại tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa trước sân Dinh quận Hóc Môn những ngày này nghi ngút khói hương. Từng đoàn người đến dâng hương, tham quan tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Dừng lại thật lâu ngắm nhìn tượng đài các chiến sĩ, nơi có bức phù điêu mô tả lại trận đánh vào Dinh quận Hóc Môn rạng sáng 23-11-1940, em Huỳnh Phạm Phương Thảo cùng 9 thành viên trong Câu lạc bộ Sử ta, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) nói rằng đây là lần đầu nhóm đến nơi này để tìm hiểu về cứ điểm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Ông Nguyễn Văn Lực giải thích cặn kẽ từng hình ảnh, chi tiết về trận đánh đêm Dinh quận năm nào. Từ lời thuyết minh, Phương Thảo cùng các bạn hiểu rõ hơn về trận đánh oai hùng của cha ông 83 năm trước.

Ông Trương Thành Hỷ (tên thường gọi là Hai Hỷ, ngụ ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) là chứng nhân cuộc Nam kỳ khởi nghĩa. “Năm đó, tôi là cậu chiến sĩ nhỏ làm nhiệm vụ canh gác theo lời của má tôi - liệt sĩ Trương Thị Mừng (hy sinh vào năm 1953, thời kháng chiến chống Pháp) và các cậu. Diễn biến của đêm 22-11-1940 còn mãi trong ký ức tôi”, ở tuổi 100, ông Hai Hỷ vẫn nhớ rất rõ và kể lại cái đêm oai hùng như mới diễn ra. Chỉ tay ra con đường phía trước nhà, ông nhớ về cái đêm 22-11-1940 rất khác thường ấy. Chiều tối mà chợ Hóc Môn vẫn nhộn nhịp, các con đường đông đúc người qua lại. Lúc bấy giờ, có rất nhiều thanh niên quàng chiếc khăn rằn trên cổ. Đêm ấy có gánh hát bội hát đến đêm vẫn chưa vãn tuồng, người xem cũng không muốn về.

“Hôm ấy, má và cậu tôi rời nhà từ sớm. Tôi cũng theo các đoàn thanh niên đi ra chợ. Nửa đêm, khi đồng chí Dậy trở về mang theo lệnh khởi nghĩa thì thanh niên thành nghĩa quân. Đuốc được thắp lên. Khí giới được lấy ra từ chợ, rạp hát. Đặc biệt nhất là khi tiếng mõ vang lên, từ khắp xóm làng tiếng xoong nồi, thùng, phèng la, chuông mõ cũng được bà con gõ lên để cổ vũ cách mạng và trấn áp tinh thần kẻ địch”, ông Hai Hỷ kể.

Ở tuổi 100, ông Hai Hỷ vẫn đọc báo vào mỗi buổi sáng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Ở tuổi 100, ông Hai Hỷ vẫn đọc báo vào mỗi buổi sáng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Sức mạnh từ tinh thần đoàn kết

Nhắc về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nữ cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, ngày còn trẻ, bà thường nghe mẹ mình kể về những ngày chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lịch sử ấy. “Sân nhà tôi cùng nhiều nhà trong xóm được trưng dụng làm nơi luyện tập võ nghệ. Mỗi bữa cơm, mẹ tôi cùng các dì trong xóm thường bỏ một nắm gạo vô hũ để dành nuôi quân. Cứ thế, nhà nhà chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng cho một ngày khởi nghĩa giành chính quyền”, bà Ánh chia sẻ.

Trong những năm 1939, 1940, thanh niên ráo riết bị bắt lính, đưa sang Pháp phục vụ cuộc chiến với Đức. Chính sách vơ vét của thực dân Pháp khiến kinh tế khó khăn cùng cực, lương giảm, giờ làm tăng, giá sinh hoạt tăng vọt... Bức bách dồn nén thúc giục sự bùng nổ. Đề cương khởi nghĩa Nam kỳ được Xứ ủy Nam kỳ soạn thảo, qua nhiều cuộc tranh luận, nhiều hội nghị lớn và cuối cùng chủ trương khởi nghĩa vũ trang đã được quyết định tại cuộc hội nghị toàn Xứ ở nhà bà Năm Dẹm, ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, Châu Thành, Mỹ Tho từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940.

Không chứng kiến trận đánh lịch sử năm ấy, nhưng qua sử sách và lời kể của các nhân chứng, ông Mai Công Tài, nguyên cán bộ tuyên giáo xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), lưu giữ nhiều thông tin về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Ông Tài nói: “Ngày trước cái đêm 22-11-1940, mọi sinh hoạt ở làng trên xóm dưới vẫn theo quy cũ thường ngày. Thế nhưng, khi tiếng mõ vang lên trong đêm thì xóm làng cũng vang dậy. Nhà nhà mang xoong nồi, thùng, thau, chậu, mõ… ra gõ cổ vũ cách mạng và đánh lạc hướng kẻ thù”.

Theo ông Mai Công Tài, trước khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, thực dân Pháp thường xuyên bắt bớ những người nghèo nợ thuế hay những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng, trói tay lại, bắt ngồi phơi nắng ở sân miếu thuộc ấp Nam Lân (xã Bà Điểm), rồi gõ mõ tập hợp dân đến xem chúng tra tấn, xử tội. Bởi vậy, tiếng mõ trở nên ai oán, là nỗi khiếp sợ với dân làng. Thế rồi, người dân trong ấp bàn nhau lấy chiếc mõ gỗ ấy làm hiệu lệnh tập hợp dân làng phòng tránh, đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ đó, mỗi khi tiếng mõ vang lên theo hồi, nhịp đã được nhân dân thống nhất là tất cả bà con trong ấp, trong xã nhất tề hưởng ứng khua thùng, thau, chậu và cùng hô vang khắp xóm khiến giặc hoảng sợ, không dám ra khỏi bót. Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, đúng theo kế hoạch, tiếng mõ Nam Lân gióng lên dồn dập, hối hả, trở thành hiệu lệnh tập hợp toàn dân Bà Điểm vùng dậy chống quân Pháp xâm lược.

Theo lời kể của ông Hai Hỷ, giai đoạn 1936-1939, với nhiều cơ sở cách mạng trung kiên, địa thế thuận lợi nên Bà Điểm - Hóc Môn được Trung ương chọn làm căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng. Những vị lãnh đạo tiền bối của Đảng về đây hoạt động, nên Bà Điểm - Hóc Môn được xem là “cái nôi” của khởi nghĩa Nam kỳ. Nơi này cũng là một trong những địa bàn quyết liệt nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ.

Tin cùng chuyên mục