Mùa đông năm 2000, tôi có dịp đến thăm Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tại nhà riêng của ông trên đường Lý Nam Đế (Hà Nội). Ông tâm sự: “Trong cuộc đời tôi có hai sự kiện trọng đại nhất, hạnh phúc nhất: một là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai là chiến thắng mùa Xuân năm 1975”. Từ bước đường cùng của một người nô lệ, ông trở thành Chính ủy Sư đoàn Sao Vàng anh hùng, Giám đốc Học viện Chính trị rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong bản anh hùng ca rạng ngời của dân tộc, ông đã góp một phần không nhỏ…
Dù hơn nửa thế kỷ đã qua đi, mái tóc đã bạc trắng dấu thời gian, nhưng trong hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, những ngày vùng dậy phá tan xích xiềng nô lệ vào mùa Thu năm 1945 hào hùng và oanh liệt biết bao. Năm ấy, ông vừa tròn 19 tuổi. Là đội trưởng Đội tự vệ cứu quốc của hãng dệt Đờ-li-nhông, chàng trai Nguyễn Nam Khánh đã cùng 49 đội viên khác tiến thẳng từ thị trấn Phú Phong xuống thị xã Quy Nhơn (Bình Định). Với gậy gộc, giáo mác trong tay và những trái tim sục sôi cứu nước, cùng với hàng vạn đồng bào, chiến sĩ tự vệ đến từ khắp nơi, những chàng trai của Đội tự vệ cứu quốc đã nhanh chóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, tòa đốc lý, sở mật thám, đồn cảnh sát ngay từ đợt đầu tiên. Tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết, án sát Nguyễn Ngọc Sỹ nhanh chóng giao nộp vũ khí, ấn triện… Ông kể, suốt 20 ngày đêm sống trong bầu không khí hừng hực khởi nghĩa giành chính quyền, nhiều đêm chỉ ngủ 1 - 2 giờ đồng hồ, có đêm thức trắng, nhưng ông và đồng đội vẫn thấy lòng phơi phới, vui tươi.
* * *
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh ra và lớn lên trên vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định. Gia đình nghèo, thời thơ ấu ông đã nếm trải bao khó nhọc, mới hết bậc tiểu học ông đã phải thôi học vì không có tiền. Ông xin mẹ cho xuống Quy Nhơn làm thuê để kiếm tiền tiếp tục học hành. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nhớ lại, hồi ấy ông đã xin vào làm chân rửa bát đĩa ở một tiệm ăn để kiếm tiền đi học. Tết đến, không có tiền về nhà, ông lang thang trên những phố xá của thị xã Quy Nhơn. Chàng trai trẻ hiếu học, giàu ý chí ấy chỉ có thể mua mấy chiếc quai guốc làm bằng da trâu, mang về chỗ trọ luộc nhừ ăn trong mấy ngày Tết. Học hết bậc thành chung, việc học của ông lại dang dở…
* * *
Cách mạng Tháng Tám thành công, một chân trời mới đã mở ra trước mắt ông. Gia nhập Tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ, chia tay với mảnh đất thân yêu đã nuôi mình khôn lớn, ông lên tàu, hướng về phía Nam của Tổ quốc. Từ đó, suốt mấy mươi năm ra Bắc vào Nam, đôi chân ông đã dọc ngang trên khắp các chiến trường, hết đánh thực dân Pháp rồi tới đánh đế quốc Mỹ.
Hòa bình, mỗi khi bạn bè, đồng đội đến nhà thăm chơi, ông vẫn thường nhắc về một miền quê mà ông không lúc nào nguôi thương nhớ: Khu V. Ông hay bảo: “Quê tui đó”! Ông tự hào với những di tích lịch sử văn hóa, những món ăn đặc sản, với những danh lam thắng cảnh trên những vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… và cả một vùng Tây Nguyên bao la, hùng vĩ. Sinh thành từ vùng đất ấy, phần lớn trong cuộc đời mình, ông lại chiến đấu ở nơi đây. Trong nhiều trận đánh lớn như: Vạn Giã, Cửu An, Măng Đen, Măng Bút, Đắc Pơ, Chư Đrếch, Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me, Tuy Phước, Tam Kỳ, Đường 19 - An Khê, Buôn Ma Thuột, Cheo Reo… đều có sự tham gia của ông.
Chính trên vùng đất này đã khai sinh ra Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng anh hùng. Ông - vị Chính ủy tài năng của sư đoàn, đã sẻ chia cùng đồng đội bao hiểm nguy, khó nhọc trong những năm tháng chiến đấu quên mình. Có trận đánh, kẻ thù đông gấp 2 - 3 lần, vũ khí hiện đại cùng 3 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép, 40 khẩu pháo 105 và 155 mm với hệ thống phòng ngự dày đặc, có phi pháo Mỹ yểm trợ tối đa. Trong khi đó, Sư đoàn Sao Vàng đang thiếu một trung đoàn, vũ khí hiện đại nhất là 2 khẩu súng cối 120mm và vài chục viên đạn nhưng đã đánh thắng kẻ địch. Đó là trận đánh trên mặt trận phía Bắc Bình Định trong chiến dịch Xuân - Hè 1972. Mỗi lần nhớ lại trận đánh oanh liệt ấy, ông lại trầm ngâm với những cảm xúc. Những hình ảnh đồng đội anh dũng chiến đấu hiện về như một cuốn phim ký sự chiến tranh sống động lạ thường. Theo Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của Sư đoàn Sao Vàng anh hùng chính là tình yêu thương, sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Đó cũng chính là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh kỳ diệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh bồi hồi nhớ lại những lần ông đi thực địa, nghiên cứu tình hình chuẩn bị cho những trận đánh quan trọng, nhiều lần bà con đã cứu ông trong gang tấc. Một lần, vừa đến làng biển Tân Phụng (Phù Mỹ - Bình Định) đã nghe tiếng lính Mỹ rộ lên khắp nơi. Anh Bình - một người dân nghèo nhanh chóng đưa ông xuống hầm. Lát sau, khi lính Mỹ rút, vừa bước lên mặt đất ông hoảng hốt nhìn căn nhà bốc cháy. Như hiểu được tâm trạng của ông, anh Bình nói: “Không sao đâu chú. Của đi thay người. Mình còn thì sau này giặc sẽ không còn dám đốt nhà, hãm hiếp dân lành nữa”. Ông nói lời cảm ơn người dân nghèo ấy mà lòng nghẹn ngào, cảm khái biết bao. Mấy mươi năm đã trôi qua, sống trong hòa bình, ông vẫn thường dặn dò con cháu phải sống trong sáng, không ai được phụ lòng những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
* * *
Hôm qua (24-10), đồng đội, bạn bè và người thân đã tiễn đưa Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh về nơi an nghỉ cuối cùng. Những dòng ký ức này - như một nén tâm hương bái vọng, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của một vị tướng tài năng và đức độ!
TÔ ĐÌNH TUÂN