Kỳ vọng gì ở cuộc hội đàm?

Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15-11, cuộc gặp đang thu hút sự quan tâm lớn của cả thế giới.
Kỳ vọng gì ở cuộc hội đàm?

Gần đây, đã có một số tín hiệu tích cực trong hợp tác giữa hai cường quốc, như đàm phán về khí hậu tại California (Mỹ) giữa đặc phái viên của Trung Quốc Xie Zhenhua và đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry được xem là khá thành công; các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” giữa hai nước về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân…

Tuy nhiên, theo trang mạng Asialyst, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thực tế vẫn căng thẳng. Tiêu biểu là ngày 1-11 vừa qua, Nhà Trắng thông báo chọn Kurt Campbell, người kiến tạo chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden, làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Tuy vẫn phải chờ Thượng viện phê chuẩn nhưng việc bổ nhiệm này đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ: cạnh tranh với Bắc Kinh vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Kurt Campbell đã nhiều lần nói muốn đưa Trung Quốc vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, dù về ý thức hệ, chiến lược, kinh tế hay công nghệ, miễn sao không để sự cạnh tranh này trở thành xung đột công khai. Hay như mới đây, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay ném bom B-52 của Mỹ ở phạm vi 3m trong khu vực Biển Đông, làm nổ ra những cáo buộc lẫn nhau về những hoạt động nguy hiểm và vô trách nhiệm…

Theo báo The Straits Times, tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng con đường dẫn đến các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo hai nước vẫn “không suôn sẻ”. Nhận xét trên của ông Vương Nghị đã làm sáng tỏ những khó khăn để đạt được bước đột phá trong đàm phán cũng như mối quan tâm đến việc có thể đưa quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng đối thoại giữa lãnh đạo của hai cường quốc sẽ không chỉ dừng lại ở những câu chào hỏi hay cái bắt tay.

Tin cùng chuyên mục