Thống kê cho biết, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, sân bay Tân Sơn Nhất phải đón trên dưới 40 triệu lượt khách/năm, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu. Kể cả khi các dự án nâng cấp, cải tạo đường băng, xây dựng nhà ga T3 hoàn thành và công suất được nâng lên 50 triệu khách/năm, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục quá tải.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), vào năm 2025, sản lượng hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất có thể lên tới 77 - 78 triệu lượt/năm. Vì vậy, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ kịp “chia lửa” cho sân bay Tân Sơn Nhất trước khi tình trạng quá tải trở nên khó kiểm soát. Khi hoàn thành, dự án sân bay Long Thành sẽ “giải cứu” được sân bay Tân Sơn Nhất ngay khi kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2025, với công suất 25 triệu khách/năm.
Được xây dựng trên diện tích 5.000ha, công suất giai đoạn hoàn chỉnh là 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, sân bay Long Thành còn nhắm tới mục tiêu lớn hơn, là trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Trong đó, điểm khác biệt với các sân bay hiện có là cơ cấu phục vụ khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% số khách quốc tế (gồm cả khách quá cảnh) và 20% số khách quốc nội. Với quy mô đó, chúng ta có quyền hy vọng sân bay Long Thành sẽ có ngày khách quốc tế tấp nập qua lại như các sân bay lớn như: Changi (Singapore), Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan), Hong Kong (Hồng Công, Trung Quốc)...
Chúng ta cũng hy vọng sân bay Long Thành sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng không quốc tế với nhiều dịch vụ như: cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Và như vậy, khả năng sân bay Long Thành đóng góp được 3%-5% GDP cả nước có thể trong tầm tay như nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia).
Có sự đồng thuận từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, các đơn vị được giao thực hiện dự án và người dân, cùng với kỳ vọng lớn, quyết tâm cao, dự án có rất nhiều điều kiện thuận lợi để về đích đúng hẹn. Vấn đề còn lại, Bộ GTVT cần có sự chuẩn bị về bộ máy quản lý, con người để đủ sức cạnh tranh được với các sân bay quốc tế khác trong khu vực. Sự cạnh tranh được dự báo sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đầu tư mạnh cho hạ tầng hàng không và có những lợi thế khi đi trước trong việc xây dựng cảng hàng không trung chuyển.
Bộ GTVT cũng cần đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với sân bay Long Thành một cách đồng bộ. Kế hoạch xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối và kế hoạch xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên quan nếu không được triển khai một cách đồng bộ sẽ làm giảm ý nghĩa, tầm vóc của sân bay Long Thành. Với dự án này, chúng ta cùng chờ đợi một sân bay hiện đại nhất Việt Nam, mang thiết kế hình bông sen cách điệu, sớm thành hình hài và trở thành biểu tượng đẹp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.