Kỳ vọng những dự án thủy lợi ở Bắc Tây Nguyên

Cứ đến mùa khô, các tỉnh Bắc Tây Nguyên lại đối diện với nỗi lo khô hạn, cây trồng thiếu nước, giảm năng suất, chất lượng. Để hóa giải nỗi lo này, các tỉnh đang dồn lực đầu tư các dự án thủy lợi trọng điểm ở những vùng đất khô cằn, hay biên giới xa xôi.  

Công trình giảm nghèo

Tại Gia Lai, 2 dự án thủy lợi có vai trò quan trọng đang được đầu tư là hồ chứa nước Ia Rtô (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) và hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (huyện Đắk Pơ). Trong đó, dự án hồ chứa nước Ia Rtô có mức đầu tư 200 tỷ đồng, xây dựng với mục đích cấp nước tưới cho 120ha lúa 2 vụ, 400ha mía, 80ha hoa màu và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân thị xã Ayun Pa, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho 2.663 người dân tại xã Ia Rtô và xã Ia Sao.

Dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 có tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng, với mục tiêu cung cấp nước tưới chủ động cho khu tưới khoảng 555ha, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 7.500 người, cải thiện kinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong khu vực dự án, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Cả 2 dự án ban đầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT làm chủ đầu tư, đến tháng 12-2020 thì giao lại cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Gia Lai tiếp quản. 

Những ngày này, tại dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2, các hạng mục chính cơ bản thi công đã xong. Trên công trình, từng tốp công nhân đang thu dọn, vệ sinh công trình. Quanh hồ là bạt ngàn rẫy mía, mì, ớt của người dân. Men theo con đường chính được thi công san ủi phẳng lì, chúng tôi bắt chuyện với các hộ dân đang trồng hoa màu dưới chân đập.

Kỳ vọng những dự án thủy lợi ở Bắc Tây Nguyên ảnh 1 Thi công dự án hồ chứa Ia Rtô

Ông Nguyễn Minh Châu (thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ) vui mừng cho biết: “Trước đây, phần đất này chúng tôi trồng hoa màu. Nhưng khổ là cứ đến mùa khô lại thiếu nước, nên hoa màu không phát triển. Vì vậy gia đình chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò vì loại cây này ít cần nước. Nghe tin dự án xây dựng, chúng tôi rất mừng vì nỗi lo thiếu nước vào mùa khô sẽ được giải quyết”.

Theo đại diện chủ đầu tư, hồ chứa nước Ia Rtô đã thi công 77% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 10. Còn hồ chứa Tầu Dầu 2 cơ bản thi công đạt 100% khối lượng công trình, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Tin vui là tại 2 dự án này, vừa qua, HĐND tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi. Ngành chức năng sẽ sớm triển khai hạng mục này khi đảm bảo điều kiện, để công trình sớm phát huy hiệu quả.  

Thúc đẩy phát triển cây công nghiệp

Tại tỉnh Kon Tum, 2 dự án thủy lợi đang triển khai xây dựng cũng được kỳ vọng rất lớn là dự án Cụm công trình thủy lợi Ia Hdrai (huyện Ia Hdrai) và dự án hồ chứa nước Đắk Pokei (huyện Kon Rẫy). Dự án hồ chứa nước Đắk Pokei có tổng vốn đầu tư hơn 553 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Dự án có mục tiêu đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 35.000 nhân khẩu ở các xã Đắk Ruồng, Đắk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) và Đắk Blà (TP Kon Tum); đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết giảm nhẹ lũ cho hạ du, chủ động nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng thuộc phạm vi lân cận vùng dự án.

Theo ghi nhận của PV, hiện công tác giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ, đập đã triển khai xong. Đơn vị thi công đang thi công các hạng mục nhà quản lý, hệ thống điện, đường vào dự án, hệ thống quan trắc…

Ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết, dự án hồ chứa nước Đắk Pokei là công trình thủy lợi lớn nhất đã và đang triển khai trên địa bàn. Địa phương xác định công trình này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho khoảng 20.000 khẩu ở 2 xã Đắk Tờ Re và Đắk Ruồng. 

“Trên địa bàn, ngoài dự án này, chỉ có các dự án thủy lợi nhỏ và nguồn nước chỉ đủ phục vụ cho việc tưới tiêu trên cây lúa, còn cây công nghiệp thì chưa có dự án nào có thể đáp ứng được. Vì thế, ở đây cây công nghiệp được trồng chủ yếu là cao su. Khi hoàn thành dự án, người dân sẽ có điều kiện để phát triển cây công nghiệp có giá trị cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đang triển khai dự án trọng điểm là dự án trồng 500ha cây ăn trái kết hợp du lịch trang trại. Và nguồn nước của thủy lợi này sẽ cung cấp một phần cho dự án”, ông Lương cho biết.

Tin cùng chuyên mục