Tại hội nghị tập huấn về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đang diễn ra ở TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, những nét chính của quy chế thi 2015 đã được Bộ GD-ĐT thông tin.
Theo đó, về cơ bản những thông tin mà thí sinh quan tâm nhất về kỳ thi năm 2015 này đã được nhận diện khá đầy đủ. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH-CĐ duy trì khối thi truyền thống để không gây bất ngờ cho học sinh. Việc bỏ các khối thi truyền thống của trường phải được thông báo công khai cho học sinh biết trước ít nhất 3 năm. Điều đó có nghĩa cùng với việc tự chủ “nghĩ” ra các khối thi mới thì các trường vẫn phải duy trì khối thi truyền thống trong vòng 3 năm nữa (như các khối A, B, C, D...). Hướng ra đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp năm 2014, tức là các môn xã hội ra theo hướng mở, các môn tự nhiên theo hướng nâng cao khả năng vận dụng kiến thức của học sinh. Đề thi sẽ có tính phân hóa học sinh cao để vừa bảo đảm yêu cầu xét tốt nghiệp, vừa để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.
Ngoài ra, vấn đề mà vừa qua dư luận quan tâm nhiều là việc tổ chức 2 loại cụm thi (một do các trường đại học uy tín chủ trì, một do các sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh chỉ có nhu cầu thi để tốt nghiệp). Về điều này, Bộ GD-ĐT dự kiến thay vì chỉ có 4 cụm thi hiện nay (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) thì với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, bộ sẽ mở rộng các cụm thi liên tỉnh. Theo đó, cứ ít nhất 2 tỉnh sẽ có một cụm thi để tiện cho thí sinh đi lại (dự kiến có khoảng 34 cụm thi liên tỉnh).
Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh với mô hình tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Bộ GD-ĐT trấn an, việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh (do trường đại học chủ trì) và tại địa phương đối với các vùng đặc biệt khó khăn (nếu địa phương có đề xuất) là hoàn toàn giống nhau về cách thức, tức vẫn là sự phối hợp giữa các sở và các trường ĐH-CĐ. Trường hợp các vùng đặc biệt khó khăn, có thể điều động các trường đại học từ Hà Nội, TPHCM lên hỗ trợ. Điều đó có nghĩa, tính nghiêm túc, công bằng giữa các cụm thi sẽ được bảo đảm?
Đến nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hầu hết tất cả các trường đại học trong số 428 trường ĐH-CĐ gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về bộ đều có sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chung để tuyển sinh. Trong đó 235 trường xét tuyển hoàn toàn bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 192 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT. Đặc biệt, ĐHQG TPHCM, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường y - dược, công an, quân đội... đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Một số trường tốp trên cũng sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển nhưng có sơ tuyển thêm hoặc xét tuyển bổ sung như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Luật TPHCM, Học viện Báo chí - Tuyên truyền... Điều đó cho thấy, sau một thời gian truyền thông và đưa ra các giải pháp kỹ thuật để cam kết bảo đảm kỳ thi chung sẽ được tổ chức nghiêm túc, Bộ GD-ĐT đã lấy được lòng tin của các trường đại học. Cũng chính nhờ có lòng tin này của các trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học uy tín mà phương án đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT cũng đã khiến cho xã hội đỡ bất an hơn.
Rõ ràng, những gì mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với phương án thi cử năm 2015 này đều đang cam kết là có lợi nhất cho thí sinh, rằng ngành giáo dục sẵn sàng “thêm việc”, chấp nhận vất vả để bảo đảm thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất. Sự đồng thuận cao của các trường đại học không chỉ là một niềm vui lớn cho Bộ GD-ĐT khi triển khai phương án đổi mới thi cử mà còn là “chứng chỉ” để xã hội yên tâm và bớt hoài hoài nghi về sự đổi mới đã từng bị đánh giá là vội vã này. Thế nhưng, điều mà cả xã hội chờ đợi là việc Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến dư luận để hoàn thiện quy chế thi cử năm 2015 ra sao, và quan trọng hơn là tổ chức kỳ thi năm 2015 thế nào nhằm bảo đảm nghiêm túc và chất lượng. Nếu kết quả của việc tổ chức kỳ thi năm 2015 không như kỳ vọng của xã hội và cam kết của Bộ GD-ĐT, thì năm 2016 sự đồng thuận đó hoàn toàn không còn cũng như hoài nghi của xã hội đối với việc đổi mới của ngành giáo dục càng được dịp nhân lên. Không chỉ các em học sinh, phụ huynh mà toàn xã hội đang mong ngành giáo dục sẽ không làm họ thất vọng.
PHAN THẢO