Lại lo nơi trú bão cho tàu thuyền

Mùa mưa bão đang cận kề, người dân miền Trung lại đối mặt với nhiều nỗi lo thường trực, từ đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình, nhất là âu thuyền trú tránh bão. Hiện nhiều địa phương đang thiếu chỗ trú tránh bão an toàn cho tàu thuyền, còn nơi có chỗ trú tránh thì bất cập, thiếu an toàn.
Những khối đá hộc dưới chân kè và lòng sông tạo thành các “bẫy” đối với tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền cửa sông Lý (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Ảnh: DUY CƯỜNG
Những khối đá hộc dưới chân kè và lòng sông tạo thành các “bẫy” đối với tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền cửa sông Lý (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Ảnh: DUY CƯỜNG

Bến… bẫy tàu

Sau 5 năm triển khai, đến nay, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cửa sông Lý tại xã Quảng Thạch (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn chưa hoàn thành. Lão ngư Nguyễn Văn Kiên, thôn Ngọc Lâm, ngao ngán: “Tưởng có nơi neo đậu, trú tránh bão mới thì an tâm, ai ngờ lại lo hơn. Không hiểu người ta làm kiểu gì mà bến tàu lại như bẫy tàu”.

Ông Kiên phân tích, trước đây lòng sông rộng, sâu, tàu thuyền vào ra, tránh nhau thoải mái. Nay, làm bờ kè hai bên khiến sông bị thu hẹp. Trước, tàu vào bến đậu được hàng hai, giờ chỉ đậu được hàng một. Khi tàu vào, cua được vào chỗ neo đậu mất rất nhiều thời gian, lại xảy ra va đập. Khi làm bờ kè, người ta bỏ đá hộc xuống và kê chân móng choãi ra ngoài lòng sông nên khi nước xuống, gặp gió nồm thì mũi tàu lao vào kè đá hộc lởm chởm gây hư hỏng. Quá trình thi công, đá hộc lớn bị gạt ra ngoài lòng sông, khi nước rút, tàu không may đụng phải, bị đâm thủng, lật nghiêng, gãy trục.

Ngư dân Nguyễn Lộc ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết, thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch là nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ rất hùng mạnh, nhưng dọc sông Gianh không có khu neo đậu bài bản nên mùa bão lũ nào cũng có thuyền bị chìm. Ngư dân kiến nghị nhiều lần nhưng không thấy có dự án nào thực hiện.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, địa bàn có hơn 5.732 tàu cá, là địa phương có đội hình tàu cá lớn ở miền Trung. Ngoài một số khu neo đậu trú tránh bão đã được xây dựng như: khu neo đậu Nhật Lệ (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới), khu neo đậu xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch), thì địa phương đang cần gấp một khu neo đậu Bắc sông Gianh (thị xã Ba Đồn).

Dự án ì ạch

Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cửa sông Lý tại xã Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng khu neo đậu bảo đảm cho 315 tàu thuyền vào âu tránh, trú bão an toàn. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn ì ạch so với tiến độ đề ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Nguyễn Văn Ngữ cho biết, những bất cập và việc chậm tiến độ của dự án này người dân đã phản ánh nhiều, kiến nghị lên HĐND các cấp, phản ánh lên cả đại biểu Quốc hội (khóa trước), nhưng vẫn chưa chuyển biến.

Tại xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mỗi khi nghe tin bão chuẩn bị đổ bộ, bà con ngư dân lại huy động nhân lực và phương tiện ra biển kéo, đẩy tàu thuyền vào rừng phi lao, hoặc lên đường để tránh trú. Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương Chu Thị Thanh Thủy cho biết, xã có khoảng 80 tàu thuyền, nhưng đến nay vẫn chưa có điểm âu nào để neo đậu trú tránh bão. Cứ đến mùa mưa bão, ngư dân lại rất vất vả tìm nơi trú tránh cho tàu thuyền. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) Hồ Xuân Trính cho hay, xã có 135 tàu thuyền nhưng cũng chưa có điểm neo đậu trú tránh bão. Cứ đến mùa mưa bão bà con ngư dân lại phải đẩy trượt tàu thuyền lên các khu vực cao và các tuyến đường trong thôn để trú tránh.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Bình Trần Hoài Nam cho biết, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 với quy mô là khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, đảm bảo cho 1.000 chiếc có công suất đến 1.000CV vào neo đậu, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, hiện đang chờ các bộ ngành khác cho ý kiến mới khảo sát, tiến hành các thủ tục đấu thầu, xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, các tỉnh đều than khó. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi cho biết, tỉnh này có 4 âu neo đậu trú tránh bão ở Cửa Nhượng, Cửa Sót, Cửa Hội và Cửa Khẩu. Sở dĩ các xã ở vùng bãi ngang ven biển thời gian qua không xây dựng được âu neo đậu tránh trú bão vì những khu vực này khối lượng cát rất dày đặc và sẽ nhanh chóng bị vùi lấp. Còn theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An Nguyễn Trường Thành, tỉnh có 5 khu neo đậu tránh trú bão gồm: Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn và Lạch Lò.

Hiện nay, các khu neo đậu này chỉ mới đáp ứng được khoảng 2.000 tàu cá các loại. Đúng ra, theo quy hoạch, quy mô của 5 khu neo đậu này phải đủ cho khoảng 3.000-3.100 tàu cá neo đậu. Nhưng ngay cả khi đúng theo quy hoạch thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu vì Nghệ An có gần 3.500 tàu thuyền. Muốn duy trì được nơi neo đậu an toàn, đảm bảo thì phải thường xuyên nạo vét, nhưng kinh phí mỗi lần nạo vét tốn 20-30 tỷ đồng. Nếu làm thêm âu trú tránh mới phải tốn hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh có hạn.

Tin cùng chuyên mục