Sông Cầu sạt lở nghiêm trọng

Lại vì “cát tặc” hoành hành

Tập đoàn “cát tặc” hoành hành
Lại vì “cát tặc” hoành hành

Đê sông Cầu chảy qua địa phận 4 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội đang bị biến thành một bãi “chiến trường” ngổn ngang cát sỏi, máy móc. Nguy hiểm hơn là mỗi ngày có cả triệu mét khối cát, sỏi bị móc khỏi lòng sông đã tạo nên những dòng xoáy lớn, nguy hiểm hướng thẳng vào các tuyến đê, gây sạt lở nặng nề.

Tập đoàn “cát tặc” hoành hành

Lại vì “cát tặc” hoành hành ảnh 1

Cảnh tượng sạt lở nghiêm trọng vỉa sông và đồng bãi canh tác của dân do nạn “cát tặc” gây ra.

Mới 6 giờ sáng, công trường bơm, hút cát sỏi tại thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong - Bắc Ninh) đã náo nhiệt tiếng ồn cả trăm người và động cơ. Trên mặt sông, những cỗ máy đủ chủng loại, nằm hàng ngang dãy dọc, đang hối hả thọc những “vòi rồng” sâu vào lòng đất rồi lại phun từng dòng cát, sỏi lên bãi cao như núi. Khói đen bốc mù mịt trên mặt nước.

Dũng Liệt là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Ninh, có 10km đê sông Cầu chạy qua. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, tình trạng đua nhau đào, hút cát, sỏi diễn ra ở khắp 3 thôn Phù Yên, Lạc Trung, Phù Cầm của xã.

Một chủ tàu hút cát tên Lâm, trạc 40 tuổi, đứng ở dưới hỏi vọng lên: “Cần mua cát hả? Nếu đồng ý mua, chúng tôi sẽ bắt “vòi rồng” bơm cát vào tận nền nhà”. Anh ta cho biết, cả nhà có 2 tàu, mỗi tàu có 2 đầu máy, vừa hút vừa đẩy. Đầu hút có thể “hít” được cát ở sâu vài chục mét. Còn đẩy thì có thể xa tới vài cây số. Trung bình mỗi ngày 2 tàu máy của anh ta có thể “vét” được 500m³ cát sông Cầu.

Tuy nhiên, cỗ máy “ăn” cát sông Cầu của anh ta chỉ bằng phần nhỏ so với cỗ máy của ông Toán, người thôn Phù Yên. Gia đình ông Toán có tới 20 đầu máy thi nhau vét cát, toàn loại đầu máy công suất lớn. Để tiện hoạt động, họ dựng cả nhà trên tàu. Ông Toán tiết lộ: Cách đây 5 năm, chỉ cần hút ngay bề mặt sông là được cát. Nhưng do số lượng chủ tàu tăng lên quá nhanh, nên bây giờ muốn có cát buộc phải nối thêm “vòi rồng”, trang bị thêm máy công suất lớn mới hút được cát nằm ở sâu trong lòng đất.

Thậm chí, họ phải thọc “vòi rồng” vào cả chân đê, sâu 7-10m, tạo nên những “hàm ếch” khổng lồ, nằm san sát. Đó chính là nguyên nhân khiến hàng loạt đoạn đê bao trung ương và kè bê-tông ở Ngọ Khổng (xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa – Bắc Giang), xã Dũng Liệt, Tam Đa (huyện Yên Phong – Bắc Ninh) liên tục đổ ùm ùm từng mảng lớn xuống sông, kéo theo cả cửa nhà, vườn tược của dân.

Mối bất hòa, mâu thuẫn giữa người dân sinh sống trên bờ và đội quân “cát tặc” vì thế ngày càng căng thẳng. Cứ thấy tàu máy thả neo hút cát là dân kéo ra chửi bới, ẩu đả. Thế nhưng, theo ông Khổng Văn Hải, trưởng thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, các chủ tàu vẫn không lùi bước, chuyển sang hút trộm cát ban đêm. Ông Chu Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Yên Phong cho biết thêm: “Chúng tôi đã xuống tận nơi can thiệp, tổ chức vây bắt nhưng cũng không xuể. Nhiều chủ tàu bị săn đuổi còn sẵn sàng dìm cả tàu cát xuống sông để tẩu thoát”.

Phải cùng bắt tay mới dẹp được nạn “cát tặc”

Theo thống kê của Phòng CSGT đường thủy thuộc Công an tỉnh Bắc Ninh, chỉ riêng đoạn sông Cầu qua huyện Yên Phong (Bắc Ninh) hiện đã có gần 200 tàu hút cát hoạt động. Tính trung bình, mỗi ngày có tới 15.000m³ cát, sỏi bị móc lên, bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/m³ (cát) và 50.000 - 60.000 đồng/m³ (sỏi). Còn theo Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh Bắc Ninh, tình trạng biến hành lang đê sông Cầu thành nơi tập kết, buôn bán cát sỏi đã đến mức báo động, vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều.

Cả 2 tuyến đê sông Cầu thuộc quản lý của Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… hiện đã mọc lên hàng trăm điểm khai thác, tập kết cát, sỏi. Trong đó, trọng điểm là các khu vực Hà Châu (Phú Bình - Thái Nguyên), Hòa Sơn (Hiệp Hoà - Bắc Giang), Trung Giã (Sóc Sơn - Hà Nội), Đông Xuyên, Vạn An, Hoà Long (Yên Phong - Bắc Ninh). Sở dĩ tình trạng khai thác cát dội lên nhanh là do nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng ở các khu công nghiệp, khu đô thị và đường cao tốc ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên hiện rất lớn. Do món lợi nhuận quá hời từ khai thác cát lậu cho nhiều công trình, dự án nên đội quân “cát tặc” sẵn sàng bất chấp hậu quả nặng nề về sạt lở đất xảy ra.

Thạc sĩ địa lý Trần Quang Bắc, Phó trưởng Khoa xã hội, Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh - bày tỏ: “Từ cách đây gần 10 năm, các nhà chức trách đã phải tổ chức một hội nghị gồm 6 tỉnh ven sông Cầu với chủ đề “Bảo vệ, khai thác cảnh quan sinh thái bền vững, môi trường lưu vực sông Cầu” tại TP Thái Nguyên. Thế nhưng cho đến nay, người ta cũng chỉ biết đến sông Cầu đang bị ô nhiễm nguồn nước đứng nhất nhì trong cả nước do chất thải từ các làng nghề, nhà máy chứ chưa có cơ quan nào đề cập đến hiện tượng dòng sông Cầu đang bị biến đổi kết cấu địa chất, địa mạo, uy hiếp tính mạng, tài sản của dân do vấn nạn khai thác cát”.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh phải tổ chức một cuộc họp bất thường về vấn đề khai thác cát lậu dọc sông Cầu. Sau đó, địa phương này đã huy động toàn bộ lực lượng, ra quân tổ chức lập lại trật tự khai thác cát, sỏi trên sông nhưng hiệu quả không khả quan. Lý do, sông Cầu chảy qua địa bàn 6 tỉnh, phạm vi rất rộng nên việc “đơn phương độc mã” của riêng chính quyền một tỉnh không thể mang lại hiệu quả. Bởi hoạt động khai thác cát lậu ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn, thường xuyên di chuyển địa bàn lảng trốn.

Theo thạc sỹ địa lý Trần Quang Bắc, để chặn đứng nạn “cát tặc” hoành hành, vi phạm nghiêm trọng cả Luật Đê điều và Luật Tài nguyên môi trường thì không chỉ riêng tỉnh Bắc Ninh mà cần phải có sự phối hợp và kiên quyết của chính quyền cả 6 tỉnh có dòng sông Cầu chảy qua.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục