(SGGP).- Lúc gần 9 giờ ngày 14-10, tuyến đê Bắc Kênh Đào chạy qua 2 xã Vĩnh Tế và Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang bị lũ phá vỡ một đoạn dài khoảng 40m, nước tràn vào tấn công 2.100ha lúa mới đưa vào sản xuất vụ 3.
Lực lượng PCLB đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện, máy móc khẩn cấp đóng cừ tràm, bạch đàn, kè lưới B40, đắp bao cát để hàn đê cứu lúa. Tuy nhiên do áp lực nước lũ lớn, nước chảy xiết nên việc ngăn dòng nước lũ gặp nhiều khó khăn.
Đến chiều tối 14-10, nước lũ đã nhấn chìm 250ha lúa khoảng 40-50 ngày tuổi và tiếp tục đe dọa diện tích còn lại. Lực lượng hộ đê cũng được tăng cường lên đến 1.000 người gồm các ngành quân sự, công an, dân quân tự vệ cùng người dân địa phương.
Chiều tối ngày 14-10, ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: “Cố gắng bằng mọi giá đến sáng sớm 15-10, lực lượng PCLB phải hàn xong đoạn đê bị vỡ để khẩn cấp bơm nước ra ngoài cứu lúa. Đồng thời tiếp tục nâng cấp, gia cố toàn bộ tuyến đê Bắc Kênh Đào này. Nguyên nhân do nước lũ ngập lâu ngày, thấm sâu làm thân đê yếu không chống chịu nổi áp lực của lũ”.
Chiều 14-10, theo Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Đồng Tháp, tại ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình vừa xảy ra sạt lở làm mất đến lộ nhựa trước cổng Trường Tiểu học Tân Bình 1. Tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành cũng liên tục xảy ra sạt lở làm hơn 2.700m² đất bị lũ cuốn trôi. Liên tục nhiều ngày qua, sạt lở xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn huyện Thanh Bình, Châu Thành, Hồng Ngự… nhiều diện tích đất đã bị lũ cuốn trôi, hàng ngàn hộ dân đang bị đe dọa.
Hiện tại, nước lũ ở Đồng Tháp tiếp tục diễn biến phức tạp, lũ làm ngập trên 16.222 căn nhà, tăng 42 căn so ngày 13-10; tổng thiệt hại về lũ trên 857,9 tỷ đồng, tăng 3,2 tỷ đồng so với ngày hôm trước. Hiện 19.696ha lúa vụ 3 ở Đồng Tháp tiếp tục bị lũ đe dọa, nhiều khu đê bao chỉ còn cách mực nước 0,2- 0,3m, nguy cơ bị vỡ đê rất lớn.
B.Đại - H.Lợi