Những kiểu hành xử của côn đồ thời gian qua làm dư luận hết sức phẫn nộ không chỉ về sự dã man mà cả về tính chất coi thường pháp luật trắng trợn của những kẻ gây tội ác.
Vụ bọn cướp quay lại hiện trường để trả thù dã man người dân tham gia rượt đuổi chúng ở quận Tân Bình; vụ tên Xíu ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, 3 lần liên tiếp dẫn đồng bọn mang mã tấu vào chém anh em Hải và một người bạn chỉ vì anh này nhắc nhở tên Xíu chạy xe chậm kẻo đụng người già, em bé trong hẻm; vụ côn đồ nhiều lần tạt a-xít gia đình bà Nga ở Bình Thạnh; những vụ cướp giật công khai, những tên côn đồ hành hung người dân lương thiện chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ… cho thấy đang có những kẻ ác sống thản nhiên ngoài vòng pháp luật!
Có nhiều nguyên nhân của những hành vi man dại trên, trong đó không thể không nói đến yếu tố pháp luật thiếu nghiêm khắc, mà trách nhiệm cụ thể thuộc về ngành công an. Nếu như công cụ hành pháp thực sự nghiêm khắc, được phát huy triệt để thì bọn tội phạm không thể phạm tội chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, thậm chí “vớ vẩn” như những vụ việc xảy ra trong thời gian qua.
Người dân còn bức xúc về nạn côn đồ hoành hành ở một số khu vực xung quanh các trường đại học, khu nhà trọ công nhân, quán bar, vũ trường, karaoke...
Công bằng mà nói, đã có nhiều vụ việc được ngành công an điều tra, làm sáng tỏ. Những thông tin ấy không chỉ làm nức lòng người dân mà còn là nguồn động viên rất lớn cho chính lực lượng công an. Nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đã được khen thưởng kịp thời vì có những chiến công xuất sắc. Song thực tế, người dân ít khi nào thấy lực lượng cảnh sát ngăn chặn hoặc có mặt kịp thời để hạn chế khả năng xảy ra những vụ việc. Thông thường chỉ là những hoạt động “xét nghiệm hiện trường”, “tiến hành truy xét”, “vào cuộc điều tra, làm rõ”… sau khi bọn côn đồ đã gây tội ác và biệt dạng, còn nạn nhân đã vong mạng hoặc vào cấp cứu trong bệnh viện.
Nhiều vụ việc xảy ra đã lâu nhưng người dân vẫn chưa biết khi nào bọn tội phạm sẽ bị đưa ra trước ánh sáng công lý. Trước tình trạng này không thể không đặt ra câu hỏi: Có những chiến sĩ cảnh sát nhân dân hoặc là yếu kém về nghiệp vụ hoặc là chưa làm tròn trách nhiệm của những người “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”?
Xưa nay, trong nông nghiệp, người nông dân vẫn phải thường xuyên làm cỏ (diệt cỏ) mới có thể giữ được mùa màng. Bản thân cây cỏ có khả năng phát triển tự nhiên và mãnh liệt, nếu không có biện pháp kiềm chế. Cái ác, suy cho cùng, cũng vậy. Một xã hội tồn tại, phát triển luôn song hành với những nỗ lực ngăn chặn, triệt tiêu cái ác. Người dân có quyền được sống trong bình an, không phải lo sợ vì cái ác lộng hành. Nhiệm vụ “làm cỏ” cái ác, giữ gìn sự yên bình cho nhân dân, không ai khác, chính là những người mặc sắc phục công an, được Nhà nước trang bị quyền hạn, phương tiện và vũ khí! Khi tất cả chiến sĩ công an đều làm tròn trách nhiệm “quên mình vì sự bình yên của người dân”, chắc chắn “cỏ ác” sẽ bị diệt tận gốc!
QUÝ LÂM