
Đến nay, sau 3 năm triển khai Quyết định 154/TTg/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã xây, cấp được 3.050 căn nhà với số vốn trên 15 tỉ đồng, trong đó 2.790 căn nhà cấp 4, 254 căn nhà gỗ và 6 căn xây móng khung gỗ. Lâm Đồng đã trở thành tỉnh đi đầu ở Tây Nguyên trong công tác này.
Hai huyện thực hiện tốt nhất là Lạc Dương (đã cấp 500 căn với số vốn là 2,5 tỷ đồng) và Di Linh (cấp 460 căn với số vốn là 2,3 tỷ đồng).

Bình quân mỗi hộ được trợ cấp 5 triệu đồng. Ngoài phần trợ cấp của nhà nước, các địa phương còn huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động; kêu gọi các ban, ngành đóng trên địa bàn ủng hộ vốn, vật tư và tự các hộ tích góp… nên trị giá mỗi căn nhà thường từ 7-8 triệu đồng; nhiều căn nhờ có sự chuẩn bị tốt của gia đình nên trị giá đến 15 triệu đồng/căn.
Điển hình là ở hai thôn 1, 2 của xã Liêng Sa Rôn (huyện Đam Rông) - nơi có đến hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đã có khá nhiều nhà đẹp.
Theo kế hoạch, năm nay Lâm Đồng sẽ xây dựng 1.500 căn và nâng mức hỗ trợ lên 6 triệu đồng/hộ. Đến cuối năm 2005, sẽ có trên 4.500 hộ được trợ cấp, chiếm 40% số hộ cần hỗ trợ nhà ở. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, diện tích nhà 24 m2/căn như hiện nay quá hẹp, chưa kể có nơi nhà xây không tô, cột yếu, mái tôn không đảm bảo đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con nên tỉnh có chủ trương tăng diện tích nhà lên 30 m2.
Theo ông Pang Ting Uốk, Phó Ban Dân Tộc miền núi tỉnh Lâm Đồng, điều này khó thực hiện được. Nguồn vốn từ trợ cấp có hạn, giá vật liệu và tiền công cao, khâu vận chuyển rất khó khăn do hầu hết các hộ trong diện này đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khó huy động nguồn vốn tại chỗ vì các hộ trên quá nghèo.
Để giải quyết khó khăn này, tỉnh chủ trương cho các địa phương kết hợp với hạt kiểm lâm sở tại khai thác nguồn lâm sản tại chỗ để tăng kinh phí hỗ trợ.
Văn Phong - Vũ Tứ