Lâm Đồng: Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, vấn đề ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Đầu năm 2010, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Ở Lâm Đồng, từ năm 2004, chương trình NNCNC đã được khởi động và đạt được những thành quả đáng khích lệ. 
Lâm Đồng: Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, vấn đề ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Đầu năm 2010, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Ở Lâm Đồng, từ năm 2004, chương trình NNCNC đã được khởi động và đạt được những thành quả đáng khích lệ. 

  • Đầu tư vào đặc sản có thế mạnh

Nhằm phát huy lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, cách đây 7 năm, Lâm Đồng đã xác định chương trình NNCNC cao là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Phát triển NNCNC được định hướng đối với các loại rau, hoa, dâu tây, chè, bò sữa, bò thịt là các loại đặc sản thế mạnh và có đủ điều kiện ứng dụng CNC. 

Trồng hoa công nghệ cao tại làng hoa Vạn Thành

Trồng hoa công nghệ cao tại làng hoa Vạn Thành

Đến nay, tại Lâm Đồng đã có nhiều mô hình NNCNC đạt hiệu quả. Tại Đà Lạt, mô hình trồng ớt ngọt CNC cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha, cao gấp 1,5 lần, sản lượng quả loại 1 gấp 1,7 lần so với bình thường; rau an toàn 7 vụ/năm, đạt doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm; dâu tây đạt 300 triệu đồng/ha/năm; hoa cúc 2,5-3 vụ/năm, đạt doanh thu 180 triệu đồng/ha/năm. Tại huyện Đức Trọng, mô hình hoa layơn doanh thu 330 triệu đồng/ha/năm, hoa lys 566 triệu đồng/ha/năm, hoa cúc 2 vụ/năm, doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha; cải thảo 3 vụ/năm, doanh thu 180 triệu đồng/ha. Ở huyện Đơn Dương, mô hình cà chua cho năng suất 200 - 300 tấn/ha, gấp 5 - 7 lần bình thường.

Sản phẩm NNCNC đạt năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường quốc tế đã tạo điều kiện cho nông sản Lâm Đồng khẳng định thương hiệu. Hiện đã có 7 đơn vị được chứng nhận GlobalGAP, 1 đơn vị được chứng nhận sản xuất rau hữu cơ; 53 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; 55 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích khoảng 600 ha. Tổng giá trị sản xuất rau năm 2010 đạt 3.850 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với 2004 (khi chưa áp dụng CNC). 

Tại Lâm Đồng, nhiều đơn vị cũng đang rất thành công với việc nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, việc nuôi cá nước lạnh: cá hồi và cá tầm (Nga) tại huyện Lạc Dương và Đức Trọng. Hiện có 9 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất con giống cá nước lạnh và cá nước lạnh thương phẩm có hiệu quả, với diện tích khoảng 40ha, tổng vốn đầu tư khoảng 168 tỷ đồng, năng suất cá hồi bình quân khoảng 13,5 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm…

  • Nhân rộng mô hình 

Qua 7 năm triển khai, chương trình NNCNC đã phát triển khá rộng ở Lâm Đồng, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đã nhanh chóng được nhân rộng trên cơ sở tự giác, tích cực của người nông dân. Có thể nói, ít thấy ở đâu, người nông dân lại háo hức tìm đến với công nghệ mới như ở Lâm Đồng. Ở đây, các nông hộ đã rất mạnh dạn trong việc đầu tư áp dụng kỹ thuật mới: về giống cây trồng, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới, cho tới việc tổ chức sản xuất, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản… Hiện toàn tỉnh có tới 3.200ha rau hoa, chè ứng dụng công nghệ tưới phun; 1.800ha cây trồng trong nhà lưới, nhà kính; 3.000ha sử dụng màng phủ PE; tổng diện tích rau, hoa, chè CNC tới 6.400ha.

Trồng hoa công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm.

Trồng hoa công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm.

Việc ứng dụng CNC đã nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp một cách rõ rệt. Đến nay, Lâm Đồng có 37.000ha đất canh tác đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất bình quân đạt 76 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2004 và cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước; tốc độ tăng bình quân hàng năm gần 8%; giá trị nông sản xuất khẩu đạt trên 80% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. 

Từ những thành công của NNCNC, Lâm Đồng ngày càng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đây tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ rau hoa, nuôi cá nước lạnh... Hiện trên địa bàn Đà Lạt và các vùng lân cận có trên 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh rau hoa; một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Công ty Dalat Hasfarm, Công ty Bonie farm; Công ty Apolo đạt trình độ ứng dụng CNC trong sản xuất rau hoa ngang tầm khu vực. Đây là tín hiệu tốt cho phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng 

BÌNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục