
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố thông tin cho biết, trong 3 tháng mùa khô năm 2007 có khả năng cả nước sẽ thiếu khoảng 141 triệu kWh điện. Do đó, khả năng cắt điện luân phiên, kéo dài trên diện rộng là có thể. Một lần nữa, người dân lại phải chấp nhận điệp khúc: mùa khô-thiếu điện.
Những lý do... không mới
Nếu lý do có thể luân phiên cắt điện do tình trạng thiếu điện trong các tháng sắp đến, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN Đào Văn Hưng cho biết, trong tháng đầu năm 2007, lượng điện tiêu dùng cả nước tăng đến 24% - 26% (gấp đôi so với dự báo của ngành).
Trong khi, dự kiến trong năm 2007, lượng điện thương phẩm tăng 15% - 18% nhưng nguồn điện của tập đoàn không đầu tư kịp để tăng tương ứng. Có 3 nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng trên: nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, do khô hạn và thiếu nguồn khí cung cấp cho sản xuất điện.

Ban ngày, đèn đường vẫn sáng, gây lãng phí điện (ảnh chụp trên đường Lê Văn Lương, Q.7, TPHCM). Ảnh: C.TH.
Rõ ràng, những lý do mà ngành điện đưa ra không có gì mới, năm nào đến mùa khô cũng đều gặp phải. Điều đó cho thấy ngành điện dù đã dự báo trước, nhưng rõ ràng chưa có biện pháp đối phó hiệu quả.
Điều làm cho dư luận bức xúc nhất, khi ngành điện tăng giá với lý do là cần thu hút vốn để đầu tư, nâng cấp khả năng cung cấp, góp phần giảm hụt điện năng.
Nhưng khi lý giải về nguyên nhân thiếu hụt điện, lãnh đạo EVN hoàn toàn không đề cập đến lý do nội tại, chủ quan của tập đoàn.
Không đề cập đến số liệu gia tăng đầu tư nâng cấp một cách rõ ràng, và nếu có thì tại sao sự thiếu hụt ngày một trầm trọng? Điều đó đã khiến cho dư luận không tránh đặt lại câu hỏi: lý do tăng giá điện để tăng khả năng cung cấp có thực sự chính đáng?
Tiết kiệm điện, giải pháp hiệu quả nhưng cần có chế tài
Theo tính toán của EVN, dự báo mức sử dụng điện thực tế trong mùa khô năm nay có thể lên tới gần 28 tỷ kWh, vượt gần 1 tỷ kWh so với dự kiến.
Trong tình hình nguồn điện của tập đoàn không đầu tư để tăng tương ứng, thì giải pháp tiết kiệm điện được coi là hiệu quả và khả thi nhất. Nhưng tiếc thay, giải pháp được coi là cần thiết để giảm thiểu thiếu hụt điện năng này, lâu nay chỉ dừng ở mức tuyên truyền.
Để giải pháp thực hiện một cách thực chất, hiệu quả nên chăng nhà nước cần luật hóa những quy định, chế tài nghiêm ngặt. Ngành điện cũng cần có những giải pháp kỹ thuật hạn chế sử dụng tràn lan, lãng phí của các cơ quan, đơn vị.
Vì ai cũng biết rằng, lãng phí điện năng, sử dụng không tiết kiệm phần lớn thuộc thành phần cơ quan, đơn vị. Hộ gia đình hay công ty, xí nghiệp hơn ai hết hiểu được giá trị của tiết kiệm điện, cũng như những giải pháp sử dụng điện năng sao cho hiệu quả, ít lãng phí.
Bên cạnh giải pháp tiết kiệm trước mắt, về lâu dài việc cung cấp điện năng nhà nước cần có chiến lược xã hội hóa mạnh mẽ, xóa dần độc quyền của EVN. Chú trọng thu hút đầu tư vào các nguồn cung cấp điện năng ít chịu ảnh hưởng về thời tiết như nguồn thủy điện hiện nay.
Năng lượng điện là yếu tố then chốt để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nếu như năm nào đến mùa khô hạn đều lặp lại điệp khúc thiếu điện, cắt điện như hiện nay, rõ ràng là rất khó để hoàn thành các mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
NGỌC LỮ
Thiếu điện thì phải tiết kiệm NGỌC DANH |