Phân loại rác tại nguồn
Vào chủ nhật hàng tuần, các em nhỏ trong câu lạc bộ môi trường nhí rủ nhau tập hợp bên vỉa hè của một căn nhà trên đường Cao Xuân Dục (KDC Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Ai nấy đều háo hức mang găng tay, đeo khẩu trang, tay cầm túi nilon, sẵn sàng chuyến hành trình thu gom, phân loại rác quanh nơi mình ở.
Ông Phạm Công Lương (SN 1956, Bí thư chi bộ KDC Bình Phước 1) cho biết, nhiều năm trước, vì trăn trở làm thế nào để xây dựng nơi mình sống sạch đẹp hơn, nên ông đã tự nguyện nhặt rác không lương ở khu phố để làm gương cho mọi người noi theo. Sau một thời gian hoạt động, phong trào đã được đông đảo bà con hưởng ứng, trong đó có cả những thiếu niên trên địa bàn khu dân cư. Đặc biệt, hành động tích cực của con trẻ cũng đã làm thay đổi nhận thức phân loại rác của bà con khu phố. Thấy hình ảnh quá đỗi dễ thương này, người lớn đã tự giác gom lại từng chiếc vỏ lon, chai nhựa, giấy báo,… để dành cuối tuần chờ chiếc xe môi trường nhí đi qua. Nhiều cụ già 70 - 80 tuổi cũng nhặt nhạnh phế liệu để ủng hộ các cháu.
"Gốc rễ của việc xả rác hay nhặt rác cũng chính là ở ý thức. Nên mình phải giáo dục lớp trẻ bảo vệ môi trường từ sớm và chính các em là những người tiên phong để mọi người noi gương theo", ông Lương tâm sự.
Sau gần 4 năm thành lập, đến nay CLB đã có "biên chế" 42 em với 3 xe đẩy cùng rất nhiều cộng tác viên. Từ khi thành lập đến nay, biệt đội nhí bảo vệ môi trường đã thu gom hàng tấn rác tài nguyên đem bán, thu về được tổng 170 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, đội thu về 30 triệu đồng từ tiền bán phế liệu, tương đương 16 tấn rác không phải vận chuyển chôn lấp.
Tương tự, gần 1 năm nay, cứ mỗi trưa thứ 3, Hội Phụ nữ phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nấu khoảng 100 suất cơm "0 đồng" để giúp đỡ, san sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn. Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động, các thành viên ở chi hội phụ nữ đã cùng nhau tổ chức phân loại rác tại nguồn sau đó tập trung đem bán gây quỹ. Nhìn thì có vẻ ít ỏi nhưng trên thực tế, số tiền bán được từ lượng rác sau khi phân loại lên đến hàng triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa An nhìn nhận, mỗi suất cơm "0 đồng" nếu tính thành tiền chỉ có 15.000-20.000 đồng, nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn thì cũng tiết kiệm được một phần chi phí. Mỗi người, mỗi nhà khi phân loại rác không chỉ chung tay với xã hội giảm ô nhiễm môi trường mà còn đang tạo ra những giá trị mới, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Hành động nhân văn
Bà Trần Thị Thu Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng cho rằng, các cấp hội từ thành phố đến cơ sở đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên duy trì và đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường. Tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương mà các cơ sở hội đã lựa chọn các trang thiết bị, phương tiện truyền thông để kêu gọi cộng đồng khu dân cư cùng lan tỏa hành động đẹp, sống có trách nhiệm, thực hiện phân loại rác thải đúng cách, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi nylon khó phân hủy, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.
Bên cạnh hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương, đơn vị, TP Đà Nẵng hiện có nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động vì môi trường. Đây là các hội, nhóm cộng đồng với sự tham gia của đông đảo thành viên có chung tình yêu môi trường. Vào ngày cuối tuần và các dịp đặc biệt, các hội, nhóm này tổ chức thu dọn rác tại các địa điểm công cộng như: bãi biển, âu thuyền, các bãi đá thuộc bán đảo Sơn Trà với số lượng thành viên tham gia khá lớn. Mặc dù là những hội, nhóm tự phát và hoạt động độc lập nhưng không thể phủ nhận tác động tích cực mà các hội, nhóm này mang lại trong việc bảo vệ môi trường biển, góp phần lan tỏa ý thức, chung tay xây dựng “Thành phố Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
Theo ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cần có sự chung tay của cộng đồng. Vì vậy, địa phương ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng thông qua các sáng kiến thiết thực. Điều này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi hành động thiết thực để Đà Nẵng xứng đáng là nơi đáng sống nhất Việt Nam - một thành phố không rác thải" mà còn góp phần xã hội hóa các dự án, sáng kiến về bảo vệ môi trường.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị, địa phương và các cấp hội đoàn thể trong việc duy trì những hoạt động thu gom rác tái chế, trao nhận lại quà tặng, tạo bữa cơm cho người khó khăn…. Những ý tưởng thiết thực đã khiến cho việc phân loại rác tại nguồn trở thành hoạt động gắn liền với hoạt động xã hội, nhân văn và ý nghĩa. Từ đó tạo nên sự đồng lòng của mỗi hộ dân, để không chỉ dừng lại ở việc đem rác vứt đi mà sẽ thành đem rác đi phân loại, đem rác đi gây quỹ rồi từng bước biến hoạt động phân loại rác thành thói quen tốt đẹp trong cộng đồng.
Đặc biệt, sau mỗi cơn bão, lượng rác phát sinh tăng lên nhiều lần so với ngày bình thường chủ yếu rác sinh hoạt; cành, lá cây xanh bị gãy đổ và đất, cát phủ kín tuyến đường biển... Vì vậy, ngoài lực lượng thuộc ngành TN-MT, sự chung tay từ hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, lực lượng quân đội, công an,... đến người dân trong từng khu dân cư cùng bắt tay dọn dẹp nên chỉ trong vài ngày, đường phố TP Đà Nẵng trở nên xanh - sạch - đẹp.