Làm gì để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường? - Bài 1: Giải quyết bài toán môi trường

LTS: Cuối năm 2021, Bộ TN-MT đánh giá và công nhận TP Đà Nẵng là “một trong 5 thành phố đạt mức Tốt về công tác bảo vệ môi trường năm 2020”. Điều này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, nhất là sự đồng thuận của người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn rất nhiều việc từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác và phải là giải pháp hoàn thiện, bền vững hơn với mục tiêu thành phố môi trường, đô thị sinh thái, đáng sống.

Tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), công nghệ xử lý rác vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh
Tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), công nghệ xử lý rác vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2-4-2021 được xem là giải pháp căn bản nhất để các sở, ban, ngành tiếp tục căn cứ tổ chức thực hiện, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường tốt hơn qua từng năm. Trong đó, bãi rác Khánh Sơn là điểm "nóng" môi trường kéo dài nhiều năm qua tại địa phương.

Giải quyết điểm “nóng”

Những năm qua, nhiều chương trình, nhiệm vụ, hành động đã được UBND các cấp, các ngành tổ chức triển khai, từ xử lý điểm nóng môi trường; kiểm tra, giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác theo giờ, giảm sự hiện diện thùng rác trên đường phố chính, tạo mỹ quan sạch đẹp đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được chú trọng dưới nhiều hình thức và chỉ đạo đồng bộ, sâu rộng.

Mới đây, TP Đà Nẵng đã đưa vào vận hành trạm trung chuyển rác đầu tiên ở Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) giúp thu gom rác trong khu vực trung tâm đô thị, chuyển rác vào các xe trọng tải lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác.
Đồng thời, giảm tải 70% lưu lượng xe rác, xe vận chuyển thu gom rác không chạy trên các tuyến phố gây ô nhiễm mùi hôi, giải quyết căn bản vấn đề môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải rắn.
Sau thử nghiệm vận hành ổn định, sắp tới, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện xây dựng 3 trạm trung chuyển rác tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Làm gì để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường? - Bài 1: Giải quyết bài toán môi trường ảnh 1 Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra thực tế một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn 

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, năm 2021, TP Đà Nẵng tiếp tục xây dựng đề án thành phố môi trường giai đoạn 2 và đặt tiêu chí rất cao như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn đến năm 2025 phải là 95% và đến 2027 là 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại phải được thu gom đúng quy định đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%...

Với bãi rác Khánh Sơn, hiện công nghệ xử lý rác là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, phương pháp này không còn phù hợp vì sự phát triển của đô thị dần không còn quỹ đất. Bên cạnh đó, quá trình xử lý đặt ra rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật nhưng không thể nào đảm bảo môi trường. Việc phát tán mùi là vấn đề bãi rác Khánh Sơn đang đối diện.

Trạm trung chuyển sử dụng công nghệ ép rác hiện đại đầu tiên ở Việt Nam với mức đầu tư 171 tỷ đồng được đặt tại đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu)

Trong khi đó, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn theo hình thức PPP đang triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Dự án nhà máy công suất 650 tấn do Công ty CP Môi trường Việt Nam đầu tư thì theo cam kết nhà đầu tư sẽ triển khai vào quý IV-2022 và vận hành cuối năm 2024.

Trong thời gian “chờ” đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn theo quy hoạch, TP Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đối với Khu liên hợp Khánh Sơn để đảm bảo quy định, tổ chức vận hành hiệu quả, đúng kỹ thuật các hộc chôn lấp rác; đầu tư mở rộng các ô chôn lấp để đảm bảo có đầy đủ các giải pháp vận hành an toàn trong quản lý, xử lý rác thải của một đô thị.

Cần cơ chế thu hút đầu tư xử lý rác

Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ chính là rào cản lớn nhất mà các dự án kêu gọi đầu tư ở bãi rác Khánh Sơn đang gặp phải.

Các loại rác cồng kềnh, có kích thước lớn như giường, tủ, bàn, ghế, cành cây… sẽ được cho vào máy cắt, nghiền trước khi cho vào máy ép

Theo ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước môi trường Bình Dương, hiện cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn thiếu và yếu nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng.

Vì vậy, ông Thiền kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng khung giá cho xử lý rác, cần có chính sách hỗ trợ như ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm; bảo trợ, hỗ trợ, bù giá để giảm giá thành sản phẩm tái chế, giúp thị trường dễ tiêu thụ.

Bộ TN-MT cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác.

Công nghệ xử lý rác luôn là vấn đề quan tâm của nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng như chuyên gia

“Chúng ta khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi, thực thi như thế nào? Khuyến khích ưu đãi nhưng chưa nêu cụ thể ưu đãi cái gì? Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển không bền vững. Sau thời gian vận hành, các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa", ông Thiền nói.

"Một số lò đốt rác nói là công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỷ lệ lớn khó xử lý, số này lại chuyển thành rác nguy hại, lại phải đi chôn lấp”, ông Thiền chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hà, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn AMACCAO cho rằng, cần xem xét nghiên cứu điều chỉnh các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... để tháo gỡ và thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải thực hiện mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ môi trường bền vững.
Đại diện doanh nghiệp giới thiệu các cải tiến mới của phương tiện thu gom, vận chuyển rác đang được áp dụng tại TP Đà Nẵng

“Hiện các tỉnh thành trong đó TP Đà Nẵng khi tìm hiểu về quy trình, thủ tục đầu tư thì thấy rằng trình tự, thủ tục còn phức tạp, nhiều chồng chéo, chưa có sự thống nhất trong các quy định, nhất là quy trình về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư số 61 quy định có 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là “Đấu thầu; đấu giá hoặc chấp thuận nhà đầu tư”. Trong khi đó quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 25/NĐ-CP và Thông tư 09/TT-BKHĐT lại không quy định cụ thể về loại hình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải... mà chỉ có các loại hình khu đô thị, nhà ở thương mại...

Luật Đất đai và Nghị định 148/NĐ-CP có quy định “Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian sử dụng đất đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất”. Trong khi đó, dự án xử lý rác thải thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư”, ông Hà nhìn nhận.

Làm gì để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường? - Bài 1: Giải quyết bài toán môi trường ảnh 6 Việc triển khai các trạm trung chuyển để ép rác trước khi vận chuyển về bãi rác sẽ khắc phục được mùi hôi và nước thải rỉ ra trên đường, đồng thời giảm tình trạng ùn ứ rác

Theo bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có sự điều chỉnh theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền. Tuy nhiên, khi thực hiện việc phân loại chất thải rắn lại chưa cụ thể hóa được khung giá đối với việc vận chuyển, thu gom và xử lý.

"Cần phải cụ thể hơn nữa cho từng loại rác, phương pháp xử lý... để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, thu gom nhưng vẫn đảm bảo chi phí vận hành", bà Hiếu nói.

Tin cùng chuyên mục