- Khi nước biển dâng, cả 2 vựa lúa lớn của nước ta đều bị ngập
Sau khi khởi đăng loạt bài “Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?”, Báo SGGP nhận được thông tin phản hồi của TS Nguyễn Mạnh Đôn (ảnh), Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, một chuyên gia về khai hoang đất nông nghiệp, bày tỏ quan điểm cần phải giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông.
- PV: Ông suy nghĩ như thế nào về chủ trương giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa trong cả nước, ngăn chặn tình trạng chuyển đổi ồ ạt như thời gian qua?
TS NGUYỄN MẠNH ĐÔN: Theo tôi, mặc dù đang đặt mục tiêu đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp nhưng cứ với tình hình và tập quán như hiện nay thì tới năm 2020, phần lớn nông dân của chúng ta vẫn chưa thể thoát ly khỏi sản xuất nông nghiệp. Lúc đó, bà con nông dân vẫn phải bám vào sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, cần phải giữ lại ruộng đồng không chỉ là để đảm bảo an ninh lương thực mà cái chính là để ổn định xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho nông dân. Bên cạnh đó, nếu đất trồng lúa cứ giảm đi như hiện nay, mà đến năm 2020-2030, dân số nước ta có thể tăng lên tới 120 triệu người, chắc chắn không đảm bảo về lương thực. Trong khi hiện nay, sản xuất nông nghiệp cũng đã “kịch trần” về năng suất, lại đang phải hứng chịu những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng theo chiều hướng nghiêm trọng.
Trong những năm qua, mặc dù mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu từ 4 - 5 triệu tấn gạo cho các nước nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan vì chỉ cần xảy ra ba đợt thiên tai, mất mùa liên tục là đời sống người dân gặp khó khăn, xáo trộn ngay. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã chỉ đạo rà soát lại các hộ đói trong cả nước để hỗ trợ gạo cũng như tình hình ăn tết của bà con. Thực tế chúng ta đang xuất khẩu 5 triệu tấn gạo nhưng vẫn có người bị đói. Như vậy, an ninh lương thực đang là vấn đề sát sườn. Nếu trong vòng 10 - 20 năm tới, dân số nước ta tăng thêm khoảng 40 triệu người, mặc dù bấy giờ người dân có thể ăn ít, liệu có còn dư thừa 5 triệu tấn gạo để xuất khẩu?
Chưa kể bên cạnh nguồn gạo để ăn còn đi kèm nguồn lương thực để chế biến thực phẩm và chăn nuôi. Do đó theo tôi, chúng ta cần phải giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa cho tới ít nhất là hết thế kỷ 21. Ở các nước, mặc dù có nền công nghiệp phát triển nhưng họ cũng phải giữ lại rất nhiều đất nông nghiệp để trồng cây lương thực, đảm bảo an ninh lương thực.
Tôi cũng rất buồn là từ cách đây 3 - 4 năm đã có đề xuất nên giữ lại 3,9 triệu ha đất lúa, mặc dù hiện nay theo điều tra, chúng ta vẫn còn tới 4,1 triệu ha đất có thể trồng lúa. Tuy nhiên vừa rồi, Quốc hội chỉ quyết định giữ 3,8 triệu ha. Như vậy cũng đã hụt thêm hơn 100.000 ha đất có thể trồng lúa rồi. Trong khi để có được 3,8 triệu ha đất lúa và nhiều hơn như hiện nay, chúng ta đã từng phải lặn lội đi cải tạo những nơi hoang hóa thành đất quy hoạch nông nghiệp.
- Để mở rộng thêm diện tích đất trồng lúa, liệu những năm tới, chúng ta có thể khai hoang thêm không?
Chúng ta không còn điều kiện để khai hoang thêm diện tích đất cho cây lúa. Đất lúa đã bị thu hồi, chuyển đổi, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông... nên chỉ mất đi chứ không còn tái tạo được. Có những nơi cần khai hoang, như khu vực Đồng Tháp Mười, chúng ta cũng đã khai hoang hết rồi. Nếu bây giờ muốn khai hoang, chỉ còn cách phải phá rừng để trồng lúa nương, mà như vậy lại ảnh hưởng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và nâng độ che phủ rừng lên 46%. Ngoài ra, còn một cách khác là tiến hành quai đê lấn biển, cải tạo các vùng nhiễm mặn, phèn chua thành đồng lúa nước nhưng chúng ta lại đang đối diện với nguy cơ nước biển dâng, diện tích đất lúa chỉ có thu hẹp chứ không “đẻ” thêm được nữa.
- Vậy khi nước biển dâng, có làm sụt giảm đất trồng lúa?
Theo tính toán, nếu nước biển dâng lên 1m, cơ bản đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập gần hết. Ở đồng bằng Bắc bộ, toàn bộ 4 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương và Hưng Yên (đang được coi là vựa lúa chính hiện nay) sẽ bị ngập nặng. Chỉ còn lại tỉnh Nam Định ở cốt đất cao nên ít bị ngập. Nguyên nhân là do lịch sử quá trình quai đê lấn biển, bao giờ khu vực bên ngoài cũng có cốt đất cao hơn bên trong tới 0,5m. Chính vì vậy, khi cho chạy thử mô hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chúng tôi phát hiện, toàn bộ khu vực Hưng Yên, Hải Dương sẽ chìm trong nước biển, không thể sản xuất lúa được vì là vùng trũng nhất của đồng bằng Bắc bộ. Điều đó cũng có nghĩa, khi nước biển dâng, cả hai vựa lúa lớn của nước ta đều bị ngập, diện tích lúa nước của chúng ta sẽ bị mất đi đáng kể.
- Vậy theo ông, cần làm gì để giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực lâu dài như mục tiêu đã đặt ra?
Để giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, cần phải đảm bảo được 3 giải pháp đồng bộ, đó là phải có chính sách quản lý đất lúa đúng đắn, mau chóng nghiên cứu, sản xuất những giống có thể thích ứng biến đổi khí hậu và đầu tư để ngăn chặn nước biển dâng, xâm mặn vào các vựa lúa. Về giảm thiểu ảnh hưởng của nước biển dâng để bảo vệ đất lúa, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, thậm chí chúng ta có thể học tập mô hình như của Hà Lan, chưa kể chúng ta đã có cả một truyền thống ngàn năm quai đê, đắp đê lấn biển. Ngoài ra, hiện nay Chính phủ cũng đã chủ trương đầu tư để kiên cố hóa hệ thống đê biển, đặt trong mục tiêu đầu tư dài hạn nhằm thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Còn về giống thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học Việt Nam đủ sức thực hiện, vấn đề là phải có định hướng đúng cho việc đầu tư nghiên cứu.
- Chúng ta đã có giống lúa nào thích ứng với biến đổi khí hậu chưa?
Hiện nay, các nhóm giống như chịu mặn, chịu hạn, chịu úng... chúng ta cũng đã nghiên cứu và sản xuất ra nhưng khối lượng giống đưa ra phục vụ vẫn còn quá ít. Để làm được, đòi hỏi phải có các nhà khoa học thực sự tâm huyết tham gia, còn như hiện nay, tâm lý của nhà khoa học vẫn là đi làm giống thâm canh vì dễ được công nhận.
| |
Phúc Hậu
| |
|