Người Thái rất giỏi nghề nông, điều này ai cũng phải công nhận. Vậy quốc gia này đã tận dụng đất nông nghiệp của mình như thế nào để sản xuất các loại trái cây sạch và các loại gạo thơm ngon đến như vậy?
“Nồi cơm của thế giới”
Mặc dù Thái Lan đã và đang chuyển sang nền kinh tế dựa vào công nghiệp, nhưng lúa vẫn là một loại cây trồng quan trọng nhất của nước này. Là quốc gia có diện tích đất trồng lúa đứng thứ 5 trên thế giới nhưng nhiều năm qua, xuất khẩu gạo Thái Lan luôn đứng đầu, chiếm 30% sản lượng toàn cầu. Xuất khẩu nhiều nhưng nguồn cung trong nước vẫn dồi dào, chất lượng hạt gạo luôn ổn định. Đó là nhờ vào chính sách nông nghiệp hợp lý, được duy trì trong hơn 30 năm qua.
Có lợi thế về nhân lực nông nghiệp (có đến 80% dân số Thái sinh sống vùng nông thôn), diện tích đất canh tác 10,5 triệu ha, Thái Lan đã nhanh chóng hiện thực hóa được ước mơ trở thành “nồi cơm” của thế giới. Vào những năm 1960, khi nông dân Thái chỉ sống dựa trên những mảnh đất nông nghiệp có sản lượng trồng lúa, trái cây ở mức trung bình, Chính phủ Thái Lan đã ra sức chấn hưng nền nông nghiệp của đất nước và hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững với những chính sách hết sức cởi mở cho nông dân cũng như bất cứ nhà đầu tư nào trong và ngoài nước muốn tham gia vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Nhiều năm qua, chính phủ áp dụng mức giá độc quyền trong nhập khẩu, giữ mức giá trong nước thấp, hiệu quả đạt được là nhà nông Thái Lan có thu nhập cao khi chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp. Nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được thực hiện, thuế nông nghiệp được bãi bỏ.
Làm nông nghiệp nhưng rất chú trọng đến môi trường là đặc điểm ở ngành trồng trọt tại Thái Lan. Đất trồng lúa ở Thái Lan không có hiện tượng bị thoái hóa do được áp dụng hình thức hữu cơ hóa đất nông nghiệp khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học để nâng cao độ màu mỡ. Nhưng bí quyết thành công của nông dân Thái Lan chính là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Đổi mới để phát triển
|
Hiện nay, Thái Lan sản xuất hơn 30 triệu tấn gạo/năm. Gạo Thái Lan có uy tín lâu năm trên thị trường thế giới do nước này chỉ trồng một số giống có chất lượng, được đăng ký rõ ràng, dù năng suất không cao. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Thái Lan đã lập được một kỷ lục mới về xuất khẩu gạo trong nhiều thập kỷ, với 10,04 triệu tấn gạo trắng, trị giá khoảng 6 tỷ USD, tăng 33% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong trận lũ lụt hoành hành tại Thái Lan vào năm ngoái, nhiều chuyên gia dự báo sản lượng này sẽ tụt xuống dưới mức 20% nhưng thực tế chỉ giảm 3%, đạt mức 31 triệu tấn.
Tại các viện nghiên cứu, trường đại học trên khắp đất nước Thái Lan, nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những thế hệ cây trồng siêu năng suất, cải thiện chất lượng giống thông qua kỹ thuật chuyển gene, công nghệ di truyền và công nghệ nuôi cấy mô. Những “nút thắt cổ chai” trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát triển bền vững đã được các nhà khoa học tháo gỡ bằng công nghệ sinh học. Một số trường đại học của Thái Lan như Chulalongkorn (lọt vào tốp 200 trường đại học thế giới) đã đầu tư thiết bị thí nghiệm, mời chuyên gia từ những nước đi đầu trong nghiên cứu nông nghiệp đồng thời tạo cơ chế đãi ngộ cho nhiều nghiên cứu sinh trẻ sang các trường đại học ở Mỹ, Nhật và châu Âu. Khi trở về, chính phủ tạo điều kiện để họ cống hiến tri thức cho ngành nông nghiệp tại quê nhà.
Để nâng doanh thu xuất khẩu gạo, Chính phủ Thái Lan chi ra khoảng 470 tỷ baht (gần 16 tỷ USD) để hỗ trợ giá mua lúa cho nông dân khiến giá gạo xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 800 USD/tấn, thay vì hơn 550 USD/tấn như hiện nay. Chính phủ của bà Yingluck trả mức giá 15.000 baht, tương đương 498 USD, cho mỗi tấn gạo thường và 20.000 baht cho mỗi tấn gạo thơm, cao hơn 47% so với mức giá hiện tại của thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù còn gây nhiều tranh cãi nhưng chính sách khá tốn kém của Chính phủ Thái Lan bỏ tiền mua thóc giá cao từ nông dân sau đó bán lại cho doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu có thể sẽ khuyến khích nông dân Thái Lan mở rộng diện tích trồng lúa trong những năm tới.
Thanh Hằng
Bảo vệ diện tích đất trồng lúa là bảo vệ nền văn hóa Việt Nam
Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc gần xa.
- Đáp ứng mong đợi của hàng triệu nông dân
An ninh lương thực là vấn đề số một của một nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên. Trong điều kiện không ít nước cũng xuất phát từ nông nghiệp, sau nhiều năm không quan tâm đến vấn đề này, nên đã trở thành nước nhập khẩu lớn về lương thực, thực phẩm…
Riêng Việt Nam, một nước đi lên từ nông nghiệp, có đầy đủ điều kiện tự nhiên cần thiết để phát triển ngành trồng lúa nước. Nước chúng ta đã và đang khai thác tốt thế mạnh đó khi luôn nằm trong tốp những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Trong những năm gần đây, đặc biệt trong khoảng 5 năm từ 2001 đến 2005, diện tích đất sử dụng nông nghiệp (bao gồm đất trồng lúa) giảm mạnh. Theo Cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), mỗi hécta đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay.
Việc giữ lại 3,8 triệu ha đất trồng lúa là việc làm cần thiết và được sự nhất trí, đồng lòng và cũng là mong đợi của hàng triệu nông dân Việt Nam. Để thực hiện được việc này, cần phải có sự phối hợp và đồng bộ giữa các giải pháp như phải hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cân nhắc việc lấy đất lúa cho mục tiêu phi nông nghiệp và có chính sách hỗ trợ cho địa phương chuyên trồng lúa. Bên cạnh đó cần phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài để thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Ngọc Quỳnh
(360 Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú, TPHCM)
- Nông dân ra sao khi mất đất vì sân golf?
Quốc hội đã có chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa cho nông dân là một quyết định đúng đắn. Để thực hiện chủ trương này, các cấp chính quyền cần có giải pháp triệt để đối với các dự án sân golf, một trong những đối tượng chiếm dụng đất nông, lâm nghiệp lớn nhất.
Hiện nay, cả nước có hơn 100 sân golf chỉ để phục vụ cho khoảng 5.000 người Việt Nam biết chơi môn thể thao này. Đó là con số đáng báo động, vì chỉ có đại gia có đủ khả năng tài chính mới dám theo đuổi môn thể thao này. Để xây dựng một sân golf cần một diện tích đất rất lớn, có khi đến hàng ngàn hécta đất nhưng đa số lại lấy đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa. Nông dân sẽ được đền bù một khoản tiền bồi thường nhưng sau đó họ sẽ đi về đâu? Nếu không có biện pháp giải quyết sẽ để lại những hệ lụy xã hội khó lường khi người nông dân sử dụng hết số tiền bồi thường mà không có công việc ổn định.
Chính phủ đã có kế hoạch rà soát lại toàn bộ sân golf trên toàn quốc, thu hồi những dự án không đúng quy hoạch, chậm tiến độ để trả lại đất cho nông dân. Kế hoạch này thực sự nhận được sự đồng tình của nhân dân, nhất là nông dân vì họ sẽ có đất để tiếp tục công việc bấy lâu nay. Thực tế, có rất nhiều dự án núp bóng sân golf để mở nhà hàng, khách sạn và Chính phủ cần có biện pháp mạnh đối với những dự án này. Trước mắt, cần hạn chế cấp phép cho các dự án sân golf mới, kiểm tra thu hồi đối với những dự án chậm trễ, sai quy hoạch. Với chiến lược này, chúng ta hoàn toàn có thể an tâm về diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và có dư để xuất khẩu.
Hoài Thiệu
(Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM)