Nêu ý kiến tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, đã có nhiều đại biểu đề cập vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, lưu ý việc chuyển dịch cơ cấu, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; nhiều lĩnh vực, địa phương chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng đúng mức.
Gia đình tôi nhiều đời gắn bó với ĐBSCL, vùng đất được coi là màu mỡ nhất nước, nhưng ba mẹ tôi, các anh chị em tôi đều nghèo. Nghề nông không giúp chúng tôi có cuộc sống đầy đủ. Gia đình luôn thiếu trước hụt sau bởi tình trạng lâu nay mọi người đều biết nhưng chẳng làm gì được: được mùa, rớt giá. Đó là chưa kể những thất bát, cay đắng khi trồng cây chưa chắc đã cho trái, rồi sâu bệnh, rồi trồng cây đến kỳ thu hoạch thì thối hỏng phải đổ bỏ…
Gần đây, báo đài thông tin về việc nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) đang hợp tác làm ăn với công ty của Nhật thực hiện dự án liên kết sản xuất lúa Nhật, mỗi hécta trừ hết chi phí còn thu lợi nhuận trên 35 triệu đồng. Nghe chuyện, thấy mừng cho nông dân nơi đây. Con số đó quả thực là giấc mơ của những gia đình làm nông quê tôi. Nhưng quan trọng hơn cả, khi hợp tác với công ty Nhật Bản thực hiện dự án liên kết sản xuất lúa Nhật, nông dân thực sự yên tâm vì công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao và ổn định. Hơn nữa, nếu trồng tốt, lúa vượt chuẩn, nông dân còn được thưởng 100 - 500 đồng/kg lúa. Trước khi bắt đầu mùa vụ mới, công ty đều thông qua hội nông dân các huyện thị tổ chức họp nông dân để trao đổi giá cả, loại lúa cần trồng để lấy các ý kiến bổ sung, trao đổi và khắc phục những vấn đề còn hạn chế cũng như kỹ thuật canh tác. Câu chuyện này thực sự tác động mạnh đến những nông dân như tôi. Vì sao chỉ một công ty tư nhân của Nhật Bản có thể làm thay đổi cả một vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở An Giang, thiết thực cải thiện thu nhập cho người nông dân địa phương?
Tham khảo ý kiến tư vấn của nông dân là cách để công ty Nhật Bản này đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa, tất nhiên, người nông dân cũng được hưởng lợi theo. Vậy mà chúng tôi, những người cũng đang sản xuất lúa gạo, lại không hề được tư vấn phải trồng giống gì, mật độ thế nào, hay bón phân gì, liều lượng, thời điểm ra sao. Chúng tôi chỉ thấy sản phẩm nào được thương lái mua nhiều thì vụ tiếp theo sẽ trồng giống đó. Cũng vì không được tư vấn, hướng dẫn nên dù tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu nhưng chất lượng sản phẩm lúa gạo không cao. Đây cũng là nguyên nhân lúa gạo làm ra có thể nhiều mà giá cả rất thấp, thậm chí lỗ thường xuyên. Nhiều khi lúa thu hoạch chất đầy mà chẳng thấy thương lái xuống mua. Điều cay đắng nhất của người nông dân là hạt lúa do họ phải đổ bao mồ hôi nước mắt làm ra nhưng lại không có quyền định giá bán. Tất cả đều phụ thuộc vào sự phập phù của thị trường do thương lái và doanh nghiệp thu mua. Cách làm ăn chụp giựt, không bền vững này đang làm khổ người lao động và làm cho nước ta chỉ được cái tiếng là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới nhưng thu lợi về chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn “tài trợ” giá cho người tiêu dùng các nước giàu có.
Trở lại dự án liên kết sản xuất lúa Nhật ở An Giang, ngoài việc tạo ra vùng chuyên canh lúa công nghệ cao, bền vững, đem lại lợi nhuận cho hơn 4.000 gia đình nông dân tham gia dự án 35% - 40%, công ty Nhật Bản còn có thể xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế với giá lên tới 1.200 USD/tấn, cao gấp 2,5 - 3 lần giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói, cả một chuỗi giá trị mà người nông dân cần từ giống, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ với mức giá tốt đã được công ty Nhật Bản đáp ứng. Họ đang làm nức lòng những người cùng hợp tác: Nông dân rần rần vào tổ sản xuất, chỉ thấy người xin vào chứ không thấy ai ra. Với cách làm ăn hiệu quả này, làm sao người nông dân còn muốn xa đồng ruộng, phiêu dạt lên các thành phố lớn mưu sinh để rồi dẫn đến hệ lụy về dân số, môi trường, giao thông… Chúng ta đang khiến người nông dân cũng như ngành nông nghiệp nước nhà vuột mất cơ hội trỗi dậy khi hàng chục năm qua, cuộc cách mạng xanh vẫn chưa có chỗ đứng.
Không phải các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nông nghiệp không hiểu điều đó. Họ biết cả. Vậy sao ta không làm được, dù với đủ ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, hàng năm tiêu tốn biết bao ngân sách nhà nước? Phải chăng không làm được vì còn bị lợi ích nhóm chi phối, hay vì cách tư duy cũ mòn cản trở? Tại sao rau, củ của bà con làm ra nhiều khi phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được, hoặc giá rẻ như cho, trong khi có những nông dân Nhật sang ta thuê đất trồng rau thì sản phẩm làm ra bán không kịp với giá rất cao? Họ khác ta ở chỗ nào, hơn ta ở chỗ nào mà được thế? Người Việt phải thành thật học hỏi điều này mới mong thoát khỏi cái nghèo.
LÊ UYÊN PHƯƠNG