Làm gì để tái cơ cấu nông nghiệp thành công?

Nói tới hàng nông sản thì lâu nay luôn bị nhiều người nhận định là “sức cạnh tranh kém”, nhưng chưa có những lý giải thấu đáo, đầy đủ về nguyên nhân của tình trạng này. 
Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao; nông sản cạnh tranh kém vì chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, ai cũng phấn khởi khi một vài nông sản được xuất khẩu vào những thị trường khó tính và kim ngạch xuất khẩu rau quả không ngừng tăng. Song, người dân cũng cảm thấy lo ngại khi có những lô hàng bị từ chối vì không đáp ứng quy định của nhà nhập khẩu, vi phạm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Để tháo gỡ 2 nút thắt “chi phí cao” và “chất lượng kém” thì phải thay đổi, không thể kéo dài tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Cần thấy rằng, sản xuất nhỏ thì chi phí cao; sản xuất tự phát sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn mua trước, nên phải mua giá cao; đồng thời cũng muốn bán trước, nên bán giá thấp hơn. Vậy là, nông dân thiệt cả 2 đầu “mua và bán”. Ngoài ra, việc cạnh tranh với nhau nên người sản xuất có thể cắt giảm quy trình canh tác, dùng những hóa chất để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn… Những điều này gây thiệt hại cho người sản xuất và là nguyên nhân của nền nông nghiệp thiếu bền vững.
Từ những phân tích trên cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, bao gồm tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). Đây là cứu cánh, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và nền nông nghiệp. Thế nhưng vì nhiều lý do, nên kinh tế hợp tác chậm chuyển đổi, hoạt động chưa đúng bản chất. Nhiều THT, HTX chưa thật sự là “bà đỡ” cho mục tiêu giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Nguyên lý của kinh tế hợp tác là tận dụng sức mạnh khi “mua chung, bán chung”. Mua chung là mua sỉ giá rẻ, mua được tận gốc tránh được hàng gian, giả, kém chất lượng. Trong khi bán chung thì nhờ vào sức mạnh số đông có thể đàm phán được mức giá tốt nhất.

Do kinh tế hợp tác như hiện nay chưa đóng vai trò là một mắt xích, gắn người sản xuất với thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp. Mỗi mùa vụ đều có những hợp đồng liên kết đổ vỡ và thường doanh nghiệp dễ bị quy kết là nguyên nhân chủ yếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận ứng tiền trước cho nông dân, nhưng sau khi thu hoạch thì chất lượng nông sản không đúng với cam kết, hoặc khi giá cả tăng lên thì nông dân tự ý bán ra thị trường bên ngoài, phá vỡ hợp đồng. Chúng ta phải công bằng đối với nông dân và cả doanh nghiệp. Phải thấy rằng, một khi liên kết không thành công dẫn đến hệ lụy là nông sản vẫn trôi nổi, có mùa thắng nhưng có vụ lại thua. Vì vậy, các ngành chức năng phải giúp cho mối liên kết ngày càng bền vững hơn bằng cách tạo dựng lòng tin cho cả 2 chủ thể. Doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ sản xuất, mà phải thông qua THT, HTX, với điều kiện những tổ chức này thật sự vì lợi ích của nông dân. 

HTX là chuyện mà thế giới đã làm hàng trăm năm nay. Sức mạnh của HTX được minh chứng ở các quốc gia tiên tiến. Trong khi ở ta vẫn còn chậm chạp và hay biện minh rằng nông dân thiếu hợp tác. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng cái chính là chúng ta chưa thật sự hành động. Đây đó trong bộ máy vẫn chưa thẩm thấu hết ý nghĩa, lợi ích của kinh tế hợp tác. Nguyên nhân là trong một thời gian dài tư duy của ngành nông nghiệp hầu như chỉ lấy sản lượng là mục tiêu hàng đầu. Bước qua nền kinh tế thị trường chậm thay đổi, với tư duy “kinh tế nông nghiệp” lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu, mà lợi nhuận là bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí. Như vậy giảm được chi phí bao nhiêu thì đồng nghĩa lợi nhuận tăng bấy nhiêu. 

Kinh tế nông nghiệp là hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Chuỗi ngành hàng được bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối... Chuỗi ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn, khắc phục tình trạng bán nông sản thô nhiều rủi ro, giá trị thấp. Để làm được những khâu trong chuỗi như vậy, thì cần có HTX đủ mạnh và có sự liên kết với doanh nghiệp. Tất nhiên vạn sự khởi đầu nan, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng chúng ta có niềm tin khi đã xuất hiện những HTX làm ăn hiệu quả, cần nghiên cứu nhân rộng.

Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nông thôn mới phải là nông thôn hài hòa, người dân thay đổi, biết tự lực, hợp tác với nhau trong cuộc sống. Đây là điều kiện cần để tiến tới hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là tiền đề phát triển kinh tế hợp tác. Và ngược lại, có nhiều THT, HTX mạnh, chính là điều kiện cần để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, tăng thu nhập cho nông dân. Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải từ nông dân, do nông dân, vì nông dân. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền nên xem phát triển kinh tế hợp tác là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là sự sống còn, là nút thắt đầu tiên phải được mở ra…

Tin cùng chuyên mục