Dư luận những ngày qua không khỏi bức xúc trước giá thuốc lại tăng cao. Thậm chí nhiều người bệnh ngậm ngùi ví von đó là chuyện như… cơm bữa. Và đương nhiên, không ai khác, chính người bệnh phải gánh chịu. Thế nhưng, chuyện bất thường là dù giá thuốc có tăng bao nhiêu vẫn nằm trong khung cho phép kê khai của Cục Quản lý dược. Quả thật khó hiểu, vì có hãng dược tăng giá hàng loạt mặt hàng lên tới gấp 2-3 lần, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra lại vẫn thấp so với giá mà Cục Quản lý dược đã cho kê khai hoặc kê khai lại. Vậy hóa ra các hãng dược đã kê khai giá… đón đầu.
Để dễ bề hình dung, xin nói rõ, đối với thuốc nhập khẩu, khi về đến Việt Nam được tính toán trên cơ sở giá về cảng (giá CIF). Sau đó, các hãng dược cộng thêm các khoản thuế và phụ phí hợp lý khác để kê khai giá thuốc. Còn đối với thuốc sản xuất trong nước, trước khi bán ra thị trường cũng phải kê khai giá dựa trên những chi phí sản xuất, thuế các loại. Sau khi hồ sơ kê khai gửi về Cục Quản lý dược (đối với thuốc nhập khẩu) và sở y tế địa phương (đối với thuốc trong nước), một hội đồng duyệt kê khai giá được thành lập bởi đại diện của các cơ quan quản lý dược phẩm và công thương. Như vậy, trách nhiệm của hội đồng này ở đâu khi duyệt cho các hãng dược làm giá một cách vô lý như đã nói ở trên?
Sự thực, không ít hãng dược khẳng định, do mỗi lần xin tăng giá thuốc rất khó khăn nên đã xin thì xin cho… trót. Có nghĩa là, thay vì viên thuốc bán ra thị trường tại thời điểm kê khai giá là 3 đồng thì xin kê khai lên 20 đồng để nếu lỡ có “lạm phát” cũng khỏi phải xin tăng giá lại. Vì vậy mới có chuyện hôm nay hãng dược tăng giá một ít, ngày khác tăng giá một ít. Đương nhiên cũng hiếm hãng dược cho niêm yết giá trên bao bì, hộp thuốc theo quy định bắt buộc của Cục Quản lý dược và Cục Quản lý giá, Bộ Công thương. Bởi niêm yết hôm nay, ngày mai bóc đi, thật… vất vả.
Theo Luật Dược 2005, đối với thuốc nhập khẩu, khi xét cho tăng giá phải bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, liệu có cơ quan nào qua tận các nước trong khu vực để khảo sát giá hay chí ít cũng rà soát xem trên các kênh thông tin thị trường, giá thuốc của họ ra sao? Không ít lần, lãnh đạo các cơ quan quản lý giá và dược phẩm thừa nhận vẫn còn hạn chế ở việc khó khảo sát hay rà soát. Cũng vì thế mà nhiều hãng dược tha hồ “làm giá” từ nước ngoài trước khi nhập khẩu thuốc về Việt Nam, bởi chẳng ai biết giá ở nước ngoài ra sao.
Còn với thuốc sản xuất trong nước, việc xem xét tăng giá, theo Luật Dược 2005, là căn cứ trên thực tế của thị trường. Tức thị trường có biến động về nguyên liệu, các chi phí đầu vào sẽ tăng hợp lý. Đáng lo ngại khi ghi nhận của các cơ quan kiểm tra mới đây cho thấy, thuốc sản xuất trong nước cũng được khai giá “đón đầu” chẳng thua gì thuốc nhập khẩu.
Phải khẳng định rằng, giá thuốc và quản lý giá thuốc từ nhiều năm qua đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới, tiêu hao không biết bao cuộc họp từ trung ương đến địa phương để tìm “độc chiêu” cầm cương mặt hàng này. Nhưng rút cục, giá thuốc vẫn là con ngựa bất kham. Mặc dù vậy, Cục Quản lý dược luôn cho rằng, xét về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu, giá thuốc vẫn đứng hạng 9/11 nên giá thuốc được bình ổn (?!).
Cục Quản lý dược cũng phân trần rằng nguyên tắc quản lý giá thuốc là các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật… Còn cụ thể thì không thể sử dụng các biện pháp hành chính để “buộc” giá thuốc đứng yên… Như vậy vô hình trung, muốn kê khai giá thuốc tăng, cứ ký duyệt cho tăng, muốn kê khai giá thuốc giảm, cứ ký cho giảm. Mà quả thật, chẳng có mặt hàng nào ngược đời như giá thuốc, tăng nhiều mà giảm… nhỏ giọt.
Quỳnh Chi