Làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh, nhiễm chất độc da cam: Công an đang điều tra

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận 8.386 hồ sơ hưởng chế độ thương binh, nhiễm chất độc da cam và đã giải quyết được 6.438 hồ sơ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bị tố là hồ sơ giả và có đường dây công khai bán giấy chứng nhận và bệnh án cho những ai có nhu cầu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận 8.386 hồ sơ hưởng chế độ thương binh, nhiễm chất độc da cam và đã giải quyết được 6.438 hồ sơ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bị tố là hồ sơ giả và có đường dây công khai bán giấy chứng nhận và bệnh án cho những ai có nhu cầu.

Bỗng dưng... nhiễm độc

Nhiều cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên thừa nhận với cơ quan điều tra, từ tháng 5 đến tháng 8-2010, họ đã cấp rất nhiều các loại: giấy ra viện, chứng nhận bệnh tật, sổ đăng ký ngoại trú tâm thần cho gần 100 người, ghi thời gian lùi lại năm 2004, 2005 nhằm hợp thức hóa hồ sơ hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam.

Qua kiểm tra 207 hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ của 6 xã thuộc các huyện Phú Lương, Đại Từ và TP Thái Nguyên, cơ quan chức năng phát hiện 101 hồ sơ có các loại giấy chứng nhận, bản sao bệnh án, sổ điều trị ngoại trú do Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên cấp sai. Trong đó 96/101 người thực tế không có ngày nào điều trị tại bệnh viện, 83 trường hợp thậm chí không có tên trong sổ lưu trữ hồ sơ bệnh án. Các đối tượng sử dụng hồ sơ giả cho biết, lợi dụng công văn hướng dẫn ngày 6-5-2010 của Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH) quy định: “Hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần có giấy ra viện và bản sao bệnh án chứng minh mắc một trong 17 bệnh được quy định và đã có thời gian điều trị từ 3 năm” nên họ đã mua trực tiếp của các cán bộ bệnh viện với giá từ 1 - 6 triệu đồng/bộ nhằm được hưởng chế độ trợ cấp lâu dài.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên cũng thừa nhận, để hợp thức việc cấp các loại giấy tờ, họ đã tự lập hoặc chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập khống gần 100 bệnh án để nộp lên phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện rồi bán thu lời bất chính.

Chớp mắt thành... thương binh

Rất nhiều cựu chiến binh tại các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên phản ánh, họ nhiều lần được các đối tượng công khai gạ “chạy” chế độ thương binh hoặc nhiễm chất độc hóa học với giá khoảng gần 10 triệu đồng. Trên thực tế đúng là có những người không đi kháng chiến ngày nào nhưng đã mua hồ sơ nên được hưởng chế độ thương binh và nhiễm chất độc da cam. Theo tố giác của nhân dân, Công an huyện Đại Từ đã tiến hành điều tra và đủ căn cứ xác định đối tượng Hà Trọng Lâm, sinh năm 1949, trú tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, cùng vợ là Nguyễn Thị Sáng, sinh năm 1965, đã cấu kết với nhiều đối tượng đến các xã của huyện Đại Từ và các huyện khác vận động những người có nhu cầu mua các tài liệu để “chạy” chế độ thương binh và da cam.

Vợ chồng Lâm đã tự tạo ra các loại giấy tờ như: quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy xác nhận có thời gian công tác tại Trung đoàn 6 Thừa Thiên - Huế, rồi vào Trung đoàn 6 gặp ông Nguyễn Quang Thành, Thượng tá - Trung đoàn trưởng, nhờ ký và đóng dấu. Mặc dù không biết gì về những người Lâm gửi nhờ xác nhận nhưng vì tình cảm đồng đội, ông Thành đã xác nhận các giấy tờ trên. Ngoài ra ông Thành còn ký cho Lâm 30 tờ quyết định và giấy xác nhận khống. Với số giấy tờ đó, vợ chồng Lâm đã bán cho 110 người, thu lợi gần 320 triệu đồng. Nhiều người trong số này đã “chạy” trót lọt và được hưởng trợ cấp. Tại một số xã của huyện Phú Bình, Phổ Yên, ngay lãnh đạo xã cũng làm hồ sơ giả để được hưởng chế độ, mọi người đều biết nhưng do cả nể nên làm ngơ.

Sẽ xử lý, khởi tố hình sự

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa diễn ra vào trung tuần tháng 12, trong phiên trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho biết trong số hồ sơ của nhiều huyện chuyển lên, có tới trên 50% là hồ sơ giả. Theo bà Hằng: “Chính từ sự thiếu trách nhiệm trong xác nhận giấy tờ của chính quyền cấp xã, phường khiến tình trạng làm hồ sơ giả khá phổ biến”.

Trao đổi về quan điểm của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với những tiêu cực trong thực hiện chế độ chính sách cho người có công, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết đã chỉ đạo ngành công an làm rõ các vụ việc để xử lý, đối với những người tự làm giả hồ sơ hoặc thuê người khác làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ sẽ bị xử lý hành chính, đồng thời thu hồi các quyết định hưởng chế độ và truy thu toàn bộ số tiền họ đã hưởng nộp lại ngân sách Nhà nước; đối với các trường hợp làm giả hồ sơ để bán, ngoài việc bị cắt chế độ, truy thu tiền trợ cấp đã được hưởng còn bị khởi tố hình sự.

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục